Cách mạng Tháng Tám - Những bài học còn mãi
Cách đây 77 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ ách đô hộ của thực dân, phát xít, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhìn lại sự kiện lịch sử này, chúng ta càng thấm thía và cảm nhận sâu sắc hơn những bài học ý nghĩa mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước ngày nay.
Một trong những bài học ý nghĩa ấy là nắm bắt thời cơ. Phát xít Nhật đầu hàng các nước Đồng Minh (14/8/1945) khiến tình thế nước ta thay đổi: Pháp chưa nắm lại được chính quyền, Nhật thì hoang mang cực độ, chế độ quân chủ gần như sụp đổ, nhân dân đã vùng dậy giành chính quyền ở một số nơi, lực lượng đã được chuẩn bị cơ bản ở nhiều nơi... Thời cơ đã đến, trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội (tiền thân của Quốc hội ngày nay) đã được khẩn trương triệu tập tại đình Tân Trào (Tuyên Quang) đã quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền để “xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”. Việc chớp “thời cơ chín muồi” ấy là một trong các điều kiện quan trọng để Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công.
Nhìn một cách thu nhỏ, Quảng Ninh khi ấy là một trong các ví dụ điển hình về nắm bắt thời cơ của cả nước. Ngay sau khi Phát xít Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương (9/3/1945), ngọn lửa cách mạng đã được nhen nhóm ở Đông Triều để rồi khi thời cơ đến ngày 8/6/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân và các lực lượng vũ trang Đông Triều đã khởi nghĩa tấn công các đồn Chí Linh, Tràng Bạch, Mạo Khê, Đồn Cao, giành chính quyền về tay nhân dân. Cùng ngày, tại đình Hổ Lao, Chiến khu Trần Hưng Đạo (hay Chiến khu Đông Triều, Đệ tứ Chiến khu) đã được tuyên bố thành lập.
Tại Quảng Yên, ban đầu thời gian dự định khởi nghĩa là ngày 23/7/1945 nhưng ngày 19/7/1945, bất ngờ biết được bọn Quốc dân đảng từ Hải Phòng sang có ý vào dinh Tuần phủ ép tỉnh trưởng Quảng Yên Nguyễn Ngọc Thanh trao chính quyền cho chúng. Không thể chậm trễ, rạng sáng 20/7/1945, Tư lệnh Chiến khu Đông Triều Nguyễn Bình đã xông thẳng vào trụ sở, chĩa súng bắt tỉnh trưởng Quảng Yên đầu hàng. Ta thu toàn bộ vũ khí, gồm trên 400 súng các loại và nhiều đồ dùng quân sự mà không tốn một viên đạn. Chiến thắng Quảng Yên đã có tiếng vang và ảnh hưởng khá rộng lớn. Đây là tỉnh lỵ đầu tiên trong cả nước được giải phóng - một dấu ấn đặc sắc trong Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ninh.
Ở Hòn Gai, thời điểm đó bọn Việt Quốc, Việt Cách núp bóng quân Tàu Tưởng và bọn thổ phỉ từ Ba Chẽ, Hoành Bồ tiến về định cướp chính quyền. Hai phe Việt Minh và Việt Cách thoả thuận tổ chức một cuộc mít tinh tại sân vận động Hòn Gai vào ngày 28/8/1945. Phe nào được nhân dân ủng hộ bằng cách giơ tay nhiều hơn thì thắng cuộc, được lập chính quyền. Cuối cùng, bài diễn thuyết của phe Việt Minh đã được nhân dân ủng hộ nhiệt liệt. Có thể nói, đây cũng là một nét đặc sắc hiếm có trong giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở nước ta.
Trong nhiều năm qua, những bài học quý báu từ Cách mạng Tháng Tám 1945, nhất là về tranh thủ thời cơ, khẩn trương, quyết đoán đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những công trình trọng điểm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái, sân bay Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long... được xây dựng từ những tranh thủ thời cơ như thế. Các lĩnh vực công tác xây dựng chính quyền điện tử, hành chính công, nông thôn mới, sắp xếp tinh giản biên chế, chỉ số năng lực cạnh tranh... Quảng Ninh luôn là tỉnh hình mẫu dẫn đầu. Kết quả đó cũng đều xuất phát từ những sự tranh thủ điều kiện, thời cơ kết hợp với sự đột phá, sáng tạo không ngừng của tỉnh mà có được.
Không chỉ hôm nay mà nhiều năm nữa, những bài học quý báu từ giành và giữ chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa.
Ý kiến ()