
Nhân lên hành động đẹp
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hành động đẹp của nhân viên du lịch, công chức, viên chức, như trả lại ví, túi tiền, điện thoại… cho người bị đánh mất. Có những tài sản lên tới gần nửa tỷ đồng được trao trả đã để lại ấn tượng tốt đẹp.
Nhiều người cho rằng, những hành động đẹp đó có được một phần là Quảng Ninh đã sớm xây dựng, thực hiện, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” đến với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Có lẽ anh Nguyễn Tự Chiến, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội không khỏi xúc động khi nhận lại chiếc ví của mình bị đánh rơi trong quá trình tham quan Vịnh Hạ Long. Trong ví có 2 thẻ ngân hàng, giấy phép lái xe và khoảng 15 triệu đồng. Thật may là một nhân viên của Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu đã nhặt được rồi trao trả lại cho anh Chiến.
Hay câu chuyện của thuyền trưởng tàu QN 7418 Phan Thanh Tùng trả lại ví tiền cho du khách bị đánh rơi khi đi tham quan Cô Tô cũng nhận được sự thán phục của nhiều người. Sau khi nhặt được chiếc ví trong có hơn 10 triệu đồng, cùng nhiều giấy tờ quan trọng, thuyền trưởng này đã báo cho Ban Quản lý Cảng khách Cái Rồng để thông báo trên loa phát thanh của cảng, tìm kiếm chủ nhân chiếc ví. Ngay sau đó, người bị mất ví là anh Nguyễn Đình Thanh, khách du lịch đến từ Thái Nguyên đã nhận lại tài sản từ Ban Quản lý Cảng.
Gần đây nhất, Thượng tá Đào Thư Thụ công tác tại Ban CHQS huyện Cô Tô, trong lúc tập thể dục buổi sáng ở bãi cát Nam Hải, xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô đã nhặt được chiếc túi trong có 2 chiếc điện thoại và 3,2 triệu đồng. Thượng tá Thụ đã liên hệ với Trung tâm TT-VH Cô Tô để thông báo cho du khách tại các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn. Nhận lại tài sản của mình, chị Nguyễn Thị Hằng, trú tại Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội đã vô cùng xúc động và cảm ơn Thượng tá Thụ.
Còn tại các điểm du lịch trên Vịnh Hạ Long, hằng năm nhân viên của Ban Quản lý Vịnh đã trao trả lại nhiều tài sản của du khách bỏ quên khi đi tham quan di sản thiên nhiên thế giới. Mới đây, tại bãi tắm Ti Tốp, trong quá trình trực cứu hộ, Tổ công tác tại Ti Tốp đã phát hiện 1 ví da màu đen, trong có 2 thẻ ATM mang tên Nguyễn Bá Triều, hơn 4 nghìn nhân dân tệ, 18 triệu đồng. Tổ công tác đã nhanh chóng liên lạc với Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, phối hợp thông báo tới các đội tàu vận chuyển khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long để tìm chủ nhân của chiếc ví. Sau khi xác minh thông tin, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã bàn giao lại tài sản cho chủ nhân của chiếc ví là anh Nguyễn Bá Triều, trú tại Bãi Cháy, TP Hạ Long.
Không chỉ trong hoạt động dịch vụ, du lịch, mà ở lĩnh vực phục vụ hành chính công cũng xuất hiện nhiều hành động đẹp, tạo sự lan tỏa lớn. Điển hình như vừa qua, vợ chồng anh chị Trịnh Thiên Tuấn - Lê Thị Thủy, trú tại tổ 9, khu 7, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) đến Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long làm thủ tục hành chính. Sau khi xong việc, vợ chồng anh Tuấn đã ra về và để quên một một túi xách trong có nhiều giấy tờ quan trọng, 1 sổ tiết kiệm trị giá 400 triệu đồng, cùng 50 triệu đồng tiền mặt.
Chị Trịnh Thị Lịch, nhân viên lao công của Trung tâm đã phát hiện chiếc túi ở trên ghế và bàn giao cho lãnh đạo Trung tâm. Ngay sau đó, số tài sản bị bỏ quên đã được bàn giao cho chủ nhân của nó.
Còn nhớ, ngày 20/10/2015, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3147/QĐ-UBND ban hành Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”, gồm các quy tắc: Ứng xử của cán bộ, công chức; ứng xử của doanh nghiệp du lịch; ứng xử của người dân và cộng đồng địa phương; ứng xử của khách du lịch khi đến tham quan Quảng Ninh. Trong đó, cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành... Đối với lĩnh vực du lịch, phải ứng xử đúng mực, tôn trọng, có thái độ thân thiện, niềm nở khi phục vụ du khách; luôn sẵn sàng “xin chào”, “xin lỗi”, “xin mời”, “cảm ơn”, “xin chào và hẹn gặp lại quý khách”; tư vấn nhiệt tình, trung thực, sẵn sàng giúp đỡ du khách; biết lắng nghe, chia sẻ, tiếp thu ý kiến của khách… Có thể nói, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long” đã, đang thực sự lan tỏa, góp phần không nhỏ vào làm nên thương hiệu, hình ảnh đẹp cho du lịch tỉnh nhà và xây dựng một nền hành chính phục vụ ở Quảng Ninh.
Thái Bình
Ý kiến ()