Nguy cơ dịch bùng phát
Thời gian gần đây, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch mới, với số ca mắc và nhập viện tăng mạnh trở lại. Tại Việt Nam, cùng với sự xâm nhiễm của 2 biến chủng mới BA.4, BA.5, gần đây đã có nhiều ngày liên tiếp ghi nhận trên dưới 2.000 ca mắc, số ca trở nặng phải điều trị tích cực cũng tăng cao. Quảng Ninh cũng không ngoại lệ, dù dịch bệnh hiện vẫn đang được kiểm soát tốt, song những tuần qua, số ca mắc trên địa bàn cũng đang có xu hướng tăng lên. Các cơ quan y tế cảnh báo người dân không nên chủ quan với dịch bệnh.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận trên 10,7 triệu ca mắc Covid-19. Trong tháng 7, cả nước đã ghi nhận trên 33.000 ca mắc, 6 ca tử vong; thời gian gần đây có những ngày ghi nhận trên 2.000 ca mắc/ngày.
Nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam bởi các biến thể phụ BA.4, BA.5 đã xâm nhiễm vào nước ta và được ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là biến thể có khả năng lây lan nhanh hơn tới 12% so với biến thể BA.2 lưu hành thời điểm đầu năm nay. Các biến thể mới cũng liên tục xuất hiện như BA.2.75, BA.2.12.1 có thể làm dịch bùng phát trở lại.
Trước thực trạng dịch Covid-19 diễn biến có chiều hướng phức tạp, Bộ Y tế vừa xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022-2023 với 2 tình huống. Tình huống 1: Chủng vi rút vẫn tiếp tục tiến hóa, nhưng do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B. Tình huống 2: Xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, có khả năng làm giảm hiệu quả vắc-xin hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm theo yêu cầu đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Hiện Bộ Y tế cũng đã đề xuất tiếp tục coi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, từng bước giảm các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời sẽ áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B. Theo Bộ Y tế, để đưa Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B phải căn cứ vào diễn biến của dịch. Khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B người bệnh Covid-19 không được Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí điều trị, mà người dân phải trả tiền hoặc hưởng bảo hiểm y tế như khám chữa bệnh thông thường. Vì vậy, khi chuyển sang nhóm B cần phải căn cứ vào việc đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người dễ bị tổn thương.
Trước nguy cơ dịch bệnh có thể quay trở lại, bên cạnh sự chủ động ngăn chặn, kiểm soát của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thì quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân chung tay phòng, chống dịch. Trong đó V2K = Vắc-xin + Khẩu trang + Khử khuẩn vẫn có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Nhất là việc tiêm chủng đầy đủ các mũi vắc-xin cơ bản cũng như các mũi tăng cường.
Theo các nghiên cứu của WHO và minh chứng hiệu quả tích cực trong suốt đợt dịch đầu năm nay, các mũi tăng cường vắc-xin phòng Covid-19 có tác dụng củng cố kháng thể người được tiêm, giảm một phần nguy cơ mắc và hạn chế nguy cơ trở nặng của Covid-19. Người dân đủ điều kiện nên tiêm đúng lịch, đủ mũi. Có như vậy, mới hạn chế được nguy cơ dịch Covid-19 có thể bùng phát trở lại.
Ý kiến ()