Nguồn lực xã hội
Cũng trong thời gian gần đây nhiều công trình, dự án đã được quyết định đầu tư, tiến hành khởi công bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp và sự đóng góp của xã hội. Đó là nhà chung cư cho đối tượng có thu nhập thấp do Công ty Cổ phần Xây dựng Quảng Ninh thực hiện; Dự án chợ Sa Tô (TP Hạ Long) với tổng mức đầu tư 8,6 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển đô thị Quảng Ninh làm chủ đầu tư theo phương thức BOT (trước đó chợ Hạ Long II cũng được đầu tư theo phương thức này); Đề án xây dựng trường chất lượng cao do Trường THPT Hòn Gai làm chủ đầu tư bằng sự huy động nguồn vốn của xã hội và cán bộ, giáo viên nhà trường v.v..
Có thể nói nguồn lực trong các doanh nghiệp, trong các tầng lớp dân cư hiện nay là rất lớn. Việc các đơn vị, cá nhân bỏ ra một nguồn vốn lớn đầu tư các công trình kinh tế, xã hội để khai thác hoặc cho thuê với phương châm các bên cùng có lợi là hoàn toàn phù hợp với chủ trương xã hội hoá, được nhà nước khuyến khích, dư luận hoan nghênh. Điều này góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước vốn đã rất eo hẹp, để tập trung nguồn vốn cho các công trình lớn, trọng điểm.
Song, để khai thác, phát huy tốt nguồn lực trong xã hội cũng không phải đơn giản. Nó đòi hỏi phải tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp và người dân; phải có môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; có cơ chế, chính sách phù hợp... Thực tế đã có doanh nghiệp khá chật vật khi muốn đầu tư một dự án chế biến gia súc, gia cầm tại Hoành Bồ chỉ vì các cơ quan quản lý không quyết định được mặt bằng, trong khi nhu cầu về lĩnh vực này là rất cần thiết và rất lớn. Rõ ràng điều này làm thui chột khát vọng đầu tư của các tập thể, cá nhân.
Nhu cầu đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội hiện nay là rất lớn. Nguồn lực trong xã hội cũng rất dồi dào. Vì vậy các cấp, các ngành cần có cơ chế, chính sách để khai thác nguồn lực này một cách hiệu quả, để đồng vốn sinh sôi nảy nở làm giàu cho cá nhân, tập thể, cho quê hương, đất nước...
Ý kiến ()