Lấy người dân làm trung tâm trong sắp xếp đơn vị hành chính
Hôm nay, 1/1/2024, theo Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh chính thức có thêm TP Đông Triều và giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã. Như vậy, từ ngày hôm nay, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện, 1 thị xã và 5 thành phố; 171 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 91 xã, 73 phường và 7 thị trấn. Với việc thành lập TP Đông Triều, Quảng Ninh cũng trở thành địa phương thứ hai của cả nước có 5 thành phố trực thuộc (sau tỉnh Bình Dương).
Hiện thực hoá mong ước về thành phố Đông Triều
Ngày 28/9/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Đông Triều và thành lập thành phố Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể là nhập nguyên trạng xã Tân Việt vào xã Việt Dân và nhập phường Đông Triều vào phường Đức Chính của thị xã Đông Triều. Thành lập các phường (Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức) và thành lập thành phố Đông Triều trực thuộc tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên 395,95km2 và quy mô dân số 248.896 người của thị xã Đông Triều hiện nay. Thành phố Đông Triều được thành lập có 19 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 13 phường, 6 xã).
TX Đông Triều được thành lập ngày 11/3/1015, có diện tích tự nhiên là 395,95 km2, quy mô dân số 248.896 người, có 21 đơn vị hành chính cấp xã gồm: 10 phường và 11 xã với. Thị xã có nhiều thuận lợi về giao thông với Quốc lộ 18, Quốc lộ 17B chạy qua, nối Đông Triều với thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương; đường tỉnh ĐT 327 nối các thành phố Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả; tuyến đường tỉnh ĐT 333 kết nối với huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng qua bến phà Lại Xuân; đường tỉnh 332 nối với tỉnh Hải Dương qua cầu Triều; đường tỉnh 345 nối với tỉnh Bắc Giang.
Sau 9 năm thành lập, Đông Triều đã đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại; từng bước quản lý tốt quy hoạch xây dựng đô thị và chương trình phát triển đô thị. Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư, hệ thống lưới điện đảm bảo cấp điện liên tục cho phát triển kinh tế - xã hội; mạng lưới cấp nước sạch được mở rộng; công tác đảm bảo vệ sinh môi trường được quan tâm. Năm 2023, địa phương đã duy trì, phục hồi, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, nhiều chỉ tiêu hoàn thành vượt mức đề ra, như: tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn năm 2021 - 2023 đạt 14,0% cao hơn so với toàn tỉnh (10,81%). Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 trên địa bàn đạt 163,23 triệu đồng, cao hơn so với cả nước 1,6 lần. Đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo trung bình giai đoạn 2021 - 2023 là 0,015%, thấp hơn nhiều so với toàn tỉnh là 0,34%.
Trên địa bàn Đông Triều có các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch xây dựng và phát triển (khu công nghiệp Đông Triều, cụm công nghiệp Kim Sen, Tràng An,..) tạo nhiều việc làm với thu nhập ổn định cho lao động địa phương. Đông Triều có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú (than, đất sét, cát) và nhiều sản vật nổi tiếng (nếp cái hoa vàng, na dai, na bở, bưởi Diễn, vải thiều, ổi...), thuận lợi để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thu hút các nhà đầu tư. Địa phương đã quy hoạch và xây dựng một số khu dân cư đô thị mới gắn liền với phát triển thương mại - dịch vụ; tập trung chỉnh trang đô thị, hệ thống chiếu sáng, cây xanh; hệ thống thoát nước các khu dân cư, cải tạo chỉnh trang làm thay đổi diện mạo đô thị, tạo ra cơ hội phát triển mới. Ngoài ra, Đông Triều còn có thế mạnh về phát triển du lịch với 120 di tích và danh thắng, trong đó khu di tích nhà Trần được xếp hạng là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Thị xã còn có 4 tuyến, 14 điểm du lịch được UBDN tỉnh công nhận, hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ.
Từ thực trạng phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa ... của Đông Triều đã đặt ra yêu cầu về mô hình và giải pháp quản lý phù hợp hơn nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổng thể xã hội của chính quyền địa phương. Việc thành lập thành phố Đông Triều phù hợp với các quy định hiện hành, tương xứng với vị thế địa chính trị, địa kinh tế, văn hóa, xã hội và phù hợp với hiện trạng phát triển của địa phương những năm gần đây, tạo điều kiện phát huy, khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đồng thời tiếp thêm sức mạnh tinh thần để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nâng cao đời sống của Nhân dân. Chính vì thế, chủ trương thành lập thành phố Đông Triều đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của cử tri, nhân dântrên địa bàn. Khi được lấy ý kiến, 95,43% cử tri tại 162 thôn, khu phố trong toàn thị xã đồng ý phương án thành lập thành phố Đông Triều.
Việc thành lập thành phố Đông Triều phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, các quy hoạch có liên quan được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đô thị Đông Triều đạt tiêu chuẩn đô thị loại II vào năm 2030, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa của tỉnh, hướng đến mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng thuận, thống nhất với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
Tại Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, tại huyện Ba Chẽ, thành lập xã Lương Minh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Minh Cầm với toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Lương Mông. Tại thành phố Cẩm Phả, thành lập xã Hải Hòa trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Cẩm Hải với toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Cộng Hòa. Tại TP Móng Cái, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hòa Lạc vào phường Trần Phú để thành phường Trần Phú. Tại TP Hạ Long, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Yết Kiêu vào phường Trần Hưng Đạo để thành phường Trần Hưng Đạo.
Trước đó, bám sát các văn bản chỉ đạo, quy định của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Ninh từ tỉnh đến cơ sở đã khẩn trương, quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt đầy đủ, kịp thời chủ trương và triển khai các quy định pháp luật về sắp xếp ĐVHC. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó xác định rõ lộ trình, nội dung các công việc phải thực hiện, phân công rõ nhiệm vụ trong tổ chức thực hiện. HĐND tỉnh cũng ban hành các nghị quyết về chính sách đối với đội ngũ cán bộ sau sắp xếp, về sắp xếp các đơn vị hành chính…
Việc xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023-2025 được Quảng Ninh thực hiện bảo đảm thận trọng, kỹ càng, bài bản từ dưới lên tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, không gây xáo trộn, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần mở rộng không gian phát triển, phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân theo tiêu chí của "hạnh phúc". Việc xây dựng phương án sắp xếp được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Đảng và tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã được Quảng Ninh xây dựng, đề xuất dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn; chú trọng cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, điều kiện địa lý - tự nhiên; chú trọng giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, bản sắc của các địa phương.
Các ĐVHC được sắp xếp lại sẽ giúp cho bộ máy được tinh gọn, tiết kiệm chi ngân sách hành chính, tập trung được nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương, tạo lập môi trường và điều kiện sống tốt hơn cho cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn. Qua sắp xếp có điều kiện để rà soát và thực hiện quy hoạch đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại, phát triển địa phương. Đồng thời, góp phần giảm thiểu tình trạng chồng chéo, tạo ra sự cân đối, hài hòa hơn trong phân bố dân cư, lãnh thổ, hạn chế tình trạng chia cắt, manh mún, nhất là trong bối cảnh tỉnh và Trung ương đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; từ đó dẫn đến quản lý, đầu tư, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.
Cùng với đó, việc sắp xếp ĐVHC cấp xã có quy mô nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực đầu tư, khó khăn trong lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; góp phần mở rộng không gian, phát huy tiềm năng, lợi thế và tập trung nguồn lực để các địa phương phát triển bền vững.
Ý kiến ()