
Đẩy mạnh “sản xuất xanh” trong ngành Than
Với chiến lược phát triển sản xuất đi đôi với bảo vệ môi trường, những năm qua ngành Than tập trung các giải pháp nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ, phòng ngừa sự cố môi trường, cải tạo cảnh quan, phục hồi môi trường, phát triển "sản xuất xanh".
Đảng ủy, Ban lãnh đạo điều hành Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã tập trung chỉ đạo toàn diện mọi mặt công tác sản xuất, kinh doanh và môi trường, phát triển bền vững, hài hoà với môi trường tự nhiên, xã hội; ban hành nghị quyết, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo về việc triển khai kế hoạch, nhiệm vụ công tác môi trường hằng năm. Hằng năm, các mỏ khai thác than thải ra hàng chục triệu m3 nước thải mỏ. Đặc biệt, nước thải mỏ than hầm lò có tính axít, chứa hàm lượng chất rắn lơ lửng và các chất ô nhiễm khác khá cao.
Bên cạnh việc bảo vệ môi trường các bãi thải, ngành Than cũng chú trọng nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ. Công ty TNHH MTV Môi trường TKV hiện đang quản lý và vận hành 41 trạm xử lý nước thải công nghiệp và sinh hoạt; 1 nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại; 3 trạm rửa xe ô tô tự động, 3 hệ thống rửa toa xe vận chuyển than tự động và 3 tuyến băng tải chuyên dụng vận chuyển than.
Theo ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường TKV, để đảm bảo duy trì chất lượng nước thải mỏ sau xử lý, bên cạnh việc hoàn thiện công nghệ, công ty cũng thường xuyên thực hiện quan trắc kiểm định mẫu nước. Do đó, hằng ngày tại mỗi trạm xử lý nước thải, công nhân đều tiến hành kiểm tra thường xuyên bằng máy đo pH và bằng cảm quan về chất lượng nước thải sau xử lý. Đặc biệt, công ty đã ký hợp đồng với Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Nông nghiệp và Môi trường) để thực hiện kiểm định mẫu nước định kỳ. Qua đó, góp phần hạn chế nguy cơ ảnh hưởng đến các mạch nước ngầm và làm thay đổi chất lượng nước, gây tác động xấu đến môi trường và sức khoẻ con người.
Cùng với đó, để "xanh hóa" hoạt động sản xuất than, ngành Than dành nguồn lực lớn đầu tư các dây chuyền hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác than hầm lò; đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa ở nhiều khâu sản xuất khác nhau. Ðối với các mỏ lộ thiên, TKV cam kết thực hiện đúng lộ trình kết thúc khai thác đối với các dự án tại Hạ Long và Cẩm Phả. Ðồng thời, tiếp tục nghiên cứu khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng, đem lại "lợi ích kép", giúp giảm áp lực và chống sạt lở các bãi thải.
Ðến nay, tổng diện tích trồng cây phủ xanh hoàn nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.200ha. Từ năm 2025, mỗi năm, Tập đoàn thực hiện phủ xanh thêm 1.000ha và sẽ kết thúc đổ thải các bãi đổ thải ngoài có hướng về các khu đô thị và QL18A để trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường, góp phần cùng Quảng Ninh đẩy nhanh chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
Nhận thức rõ trách nhiệm cũng như vai trò của công tác bảo vệ môi trường, trong những năm gần đây TKV dành kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng/năm cho công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, trọng tâm là xanh hóa các bãi thải mỏ, đầu tư hệ thống băng tải than để thay thế cho việc vận chuyển bằng ô tô; vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải mỏ, nhà máy xử lý chất thải nguy hại. Tập đoàn cũng chỉ đạo các đơn vị thường xuyên duy trì tốt công tác bảo vệ môi trường, tập trung xử lý các vấn đề về chống bụi, độ ồn, rác thải công nghiệp, khai thác tối đa chuỗi giá trị gia tăng, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp đảm bảo nguồn vốn thực hiện công tác bảo vệ môi trường; phát triển tổ chức, nhân lực làm công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về môi trường...
Ý kiến ()