Tác động tích cực từ nâng chuẩn nghèo đa chiều
Ngày 30/3, HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 73 /2023/NQ-HĐND Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 – 2025. Nghị quyết được đánh giá sẽ tạo những tác động quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, góp phần hỗ trợ giảm nghèo bền vững để cải thiện và nâng cao mức sống của người nghèo, tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh và góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xây dựng Quảng Ninh thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Trong thời gian qua, các cấp uỷ Đảng, chính quyền của tỉnh luôn nỗ lực quan tâm, đầu tư nguồn lực và ban hành cơ chế, chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngoài quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; Nghị quyết số 202/2019/NQ-HĐND ngày 30/8/2019 của HĐND tỉnh Quảng Ninh về việc nâng mức tiêu chí về thu nhập đối với chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; Quyết định số 236/2017/QĐ-UBND ngày 19/01/2017 quy định mức trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, mức chi thù lao cho người trực tiếp chi trả chế độ và mức chi cho công tác quản lý thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, tỉnh đã nâng mức chuẩn tại cộng đồng là 350.000 đồng/tháng (Trung ương quy định 270.000 đồng/tháng), nâng mức chuẩn tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 500.000 đồng/tháng (Trung ương quy định 270.000 đồng/tháng).
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã giảm 14.493 hộ nghèo; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm là 0,87%/ năm (tương đương với giảm 2.805 hộ/năm), vượt chỉ tiêu kế hoạch là 0,17%/ năm (chỉ tiêu kế hoạch là 0,7%/năm).
Năm 2021, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021, các địa phương tiếp tục thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020, kết quả còn 380 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,1%), 2.504 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,67%); theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 1.526 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,41% tổng số hộ dân); 5.553 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,48% tổng số hộ dân). Từ kết quả điều tra, rà soát thực tế cho thấy số hộ nghèo đầu giai đoạn 2021-2025 (áp dụng theo chuẩn nghèo của Chính phủ) của tỉnh thấp hơn 6.257 hộ so với số hộ nghèo tại thời điểm cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020.
Năm 2022, số hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Chính phủ trên địa bàn tỉnh còn rất thấp: toàn tỉnh còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067%; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng sổ hộ dân, một số địa phương không còn hộ nghèo như là TP Hạ Long (không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo); Vân Đồn, Quảng Yên, Cô Tô (không còn hộ nghèo). Tuy nhiên, qua thực tiễn tại các huyện, thị xã, thành phố cho thấy vẫn còn nhiều hộ dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của Trung ương, nhưng kết quả chấm điểm tiêu chí theo các biểu mẫu quy định chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Trước tình hình này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết nâng mức chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh Quảng Ninh. Qua đó, xác định được hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Đồng thời, cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Ninh về trợ giúp xã hội, giảm nghèo thực sự bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhằm bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng thụ hưởng, từng bước nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm sự tương đồng với các chính sách xã hội khác; gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, tại kỳ họp thứ 13, HĐND khóa XIV tổ chức ngày 30/3/2023, HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết số 73 /2023/NQ-HĐND Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023 – 2025. Theo đó, Nghị quyết đã quy định chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2023-2025 của tỉnh cụ thể: Ở khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.600.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên; ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.100.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên. Nghị quyết quy định chuẩn hộ cận nghèo cụ thể: Ở khu vực thành thị: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.600.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội; ở khu vực nông thôn: Là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.100.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội. Với quy định này, Quảng Ninh nâng tiêu chí thu nhập của hộ nghèo của tỉnh cao hơn trung ương khoảng 1,4 lần.
Theo đánh giá của nhiều đại biểu HĐND tỉnh, việc xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh giai đoạn 2023-2025 theo hướng cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương, phù hợp điều kiện sống của người dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh là cần thiết, nhằm tiếp tục kế thừa, phát triển chủ trương, chính sách giảm nghèo nhất quán của tỉnh trong suốt thời gian qua. Đồng thời, chính sách cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn tỉnh. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đã đề ra.
Nghị quyết được ban hành sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo. Đặc biệt, Nghị quyết sẽ có những tác động tích cực đến sự phát triển của tỉnh. Trong đó, về tác động kinh tế sẽ mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Bởi lẽ, ngoài 2.712 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của trung ương, toàn tỉnh sẽ có thêm 3.888 hộ nghèo, hộ cận nghèo; giai đoạn 2023-2025 có khoảng 1.400 hộ nghèo, tỷ lệ 0,36%; 5.200 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,34 % tổng số hộ toàn tỉnh. Số hộ nghèo ngày sẽ có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần tạo động lực cho việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Đối với tác động về xã hội, Nghị quyết phù hợp với chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội. Giúp cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chính sách giảm nghèo, tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững. Tạo sự tin tưởng, đồng thuận, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân trên địa bàn tỉnh nói chung và hộ nghèo nói riêng. Thực hiện sự quan tâm chăm lo của tỉnh đối với hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Cùng với chuẩn nghèo đa chiều mới, Quảng Ninh cũng đặt lộ trình thực hiện trong 2,5 năm, tỉnh phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo, 4.600 hộ cận nghèo; đến hết năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều còn 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo (dưới 0,5%). Dự kiến ngân sách tỉnh chi kinh phí để thực hiện các chính sách với mức hỗ trợ hiện hành cho giai đoạn 2023-2025 là 255.440 triệu đồng (bao gồm cả kinh phí ủy thác vay vốn qua Ngân hàng chính sách xã hội). Cụ thể: Kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ BHYT, giáo dục, tiền điện, trợ giúp pháp lý): 79.029 triệu đồng (tăng so với kinh phí thực hiện chính sách theo chuẩn nghèo Trung ương là 43.835 triệu đồng, trung bình hằng năm tăng 14.612 triệu đồng); kinh phí uỷ thác vay vốn: 176.411 triệu đồng.
Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 13 – kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Mọi quyết sách của tỉnh, hoạt động của các cơ quan nhà nước đều vì lợi ích nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển. Việc lựa chọn chủ đề công tác năm 2023 “nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân” là chủ trương đúng đắn, rất sáng tạo, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã quyết nghị ban hành Nghị quyết quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, đánh giá cột mốc phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở phải nâng cao trách nhiệm, tích cực, chủ động hơn nữa trong cụ thể hóa, nhất là cấp xã, cấp huyện phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa tạo được chuyển biến thực chất về nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân và thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, với những tiêu chí cơ bản là người dân được sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa phát triển.
Để đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, đúng đối tượng quy định tại Nghị quyết số 73 /2023/NQ-HĐND, HĐND tỉnh cũng đã giao UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm toàn diện trong việc rà soát, thẩm định, thẩm tra, tổ chức thực hiện; kiểm soát rủi ro chính sách, bảo đảm quản lý chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra vi phạm trục lợi, thất thoát ngân sách nhà nước. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với các vi phạm.
Ý kiến ()