Năm của lòng tin
Phân định rạch ròi ra thì định lượng và định tính đã làm nên lòng tin đó. Thì đó, không tin dùng hàng VN thì làm sao người dân khắp 5 châu lục mua tới gần 40 tỉ USD hàng hoá của ta.
Không tin vào một môi trường làm ăn đầy tiềm năng của VN thì làm sao các ông chủ đầu tư nước ngoài dám đổ vào đây tới cả chục tỉ USD; các nhà tài trợ cũng cam kết một số vốn kỷ lục (ODA) trong suốt 14 năm qua: 4,5 tỉ USD.
Rồi cũng không tin vào công cuộc mưu sinh ở VN thì làm sao 3 triệu kiều bào ta lại dám gửi gắm về quê nhà tới 4,7 tỉ USD? Và còn rất nhiều những con số sống minh chứng cho cái lòng tin đó.
Song có những lòng tin vượt lên trên các con số. Cộng đồng 149 thành viên của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh (WTO) phải tin ta thế nào thì mới có cái ngày 7.11 lịch sử (ký Nghị định thư gia nhập WTO).
Cũng phải có lòng tin tuyệt đối thì 21 nhà lãnh đạo cùng hàng trăm các nhà tài phiệt cỡ bự từ các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có nhiều nền kinh tế hùng mạnh hàng đầu thế giới đã hội tụ tại VN.
Chính Tổng thống Mỹ G.Bush lần đầu tới VN đã phải ngạc nhiên: Không ngờ người dân ở đây lại đón tiếp ông thân thiện và cởi mở đến như vậy. (Và không có lòng tin chắc không thể thân thiện).
Rồi cũng phải có niềm tin thì toàn bộ các nước Châu Á mới suy tôn VN là ứng viên duy nhất vào một vị trí quan trọng tại Liên Hợp Quốc: Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009.
Và cũng phải có niềm tin thì Quốc hội Mỹ mới thông qua Quy chế PTNR với VN trong cái tháng cuối cùng của năm, cũng như Bộ Ngoại giao nước này mới chính thức rút tên VN khỏi danh sách “các nước cần đặc biệt quan tâm về tôn giáo”...
Đã có bao lời đánh giá tốt đẹp từ nhiều nguyên thủ quốc gia, từ các chính khách hàng đầu, từ các kinh tế gia lẫy lừng thế giới, rằng VN sẽ là “hổ”, là “rồng”, “ngôi sao mới ở Châu Á”, rằng “ai cũng muốn có chân ở thị trường này”.
Một người rất thận trọng và kiệm lời khen như ông Micheal Moor - cựu Thủ tướng New Zealand, cựu Tổng Giám đốc WTO - khi trở lại thăm VN vào trung tuần tháng 12 vừa rồi đã phải tỏ ý khâm phục: VN đang có những thay đổi làm thế giới ngạc nhiên.
Dĩ nhiên nói như vậy không có nghĩa là lòng tin của chúng ta không cần được củng cố. Nếu tham nhũng, lãng phí được đẩy lùi một bước đáng kể, nếu những thủ tục “hành dân, hành DN” được loại bỏ, môi trường đầu tư minh bạch hơn, hạ tầng, giao thông được cải thiện hơn... chắc chắn lòng tin vào chúng ta còn được nhân lên nữa.
Song khắc phục những yếu kém trên đều là những vấn đề hệ trọng. Nhưng nói như GS Lean Luc Maurer (nguyên Giám đốc Đại học Tổng hợp Geneva) trong một hội thảo quốc tế về VN trung tuần tháng 12 vừa rồi thì: “VN đã nhận thức được những thách thức, nhưng đang vật lộn với giải pháp. Mà giải pháp thì không ai khác chính là người VN phải lao tâm khổ tứ để tìm ra”.
Nói khác đi thì hơn 80 triệu dân VN phải tự tin vào chính mình, trước khi muốn cộng đồng thế giới tin mình hơn nữa.
Ý kiến ()