
Mùa xuân đại thắng trong ký ức của người lính đất Mỏ 3 lần nhận danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng
Năm tháng qua đi, nhưng ký ức về những ngày chiến đấu và chiến thắng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những chiến sĩ quân giải phóng. Trong đó, cựu chiến binh (CCB) Ngô Tiến Ninh ở khu 5, phường Giếng Đáy (TP Hạ Long) là một trong những người như vậy.
Những tháng năm khói lửa
Những ngày tháng tư lịch sử này, hòa trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975-2025), chúng tôi gặp CCB Ngô Tiến Ninh tại nhà riêng. Với vóc dáng cao gầy, đôi mắt sáng, lớp da đen xạm, khoác trên mình bộ quân phục cùng huân, huy chương trên ngực, nhìn người cựu binh già gân guốc, rắn giỏi mạnh mẽ ít ai nghĩ năm nay ông đã 79 tuổi.
CCB Ngô Tiến Ninh cho biết: Sinh ra, lớn lên tại phường Trà Cổ (TP Móng Cái) sau khi học xong THPT, năm 1964 khi tròn 18 tuổi ông về làm cán bộ tại Phòng quản lý ruộng đất, Sở NN& PTNT tỉnh (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường). Thực hiện lệnh tổng động viên, tháng 2/1968 ông cùng 7 cán bộ của Sở NN&PTNT lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, tháng 4/1968 ông được biên chế vào Đại đội 12, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3; hoạt động tại chiến trường Quảng Trị; địa bàn chính gồm: Cam Lộ, Gio Linh, Cồn Tiên và Giốc Miếu; riêng Trung đoàn 64 hoạt động chủ yếu ở khu vực Cồn Tiên. Đây là 4 địa danh khốc liệt nhất, được ví là “cối xay thịt” trong đối đầu giữa quân giải phóng và Mỹ - Ngụy.

Căn cứ Cồn Tiên có vị trí quan trọng chiến lược vì nó cung cấp tầm quan sát 15km về phía Đông bờ biển và về phía Bắc của Bắc vĩ tuyến 17; tháng 12/1966 Mỹ điều lực lượng thủy quân lục chiến ra trấn giữ ở căn cứ này cùng Gio Linh, Đông Hà và Cam Lộ. Đây là một khu vực quan trọng trong hàng rào Mc Namara, nhằm cung cấp khả năng ngăn chặn Quân đội Nhân dân Việt Nam có thể vượt qua hàng rào khu phi quân sự chi viện Miền Nam. Do vậy, đây thường diễn ra những trận giao tranh ác liệt giữa ta và địch.
Đơn vị ông Ngô Tiến Ninh vừa vào đã phải chiến đấu ngay với thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ Cồn Tiên. Ông Ninh kể lại: Tôi là chiến sĩ cối 82mm, vừa vào đến Quảng Trị, chỉ huy đơn vị quán triệt mục tiêu đánh căn cứ Cồn Tiên giao cho Trung đoàn 64; tiểu đoàn tôi thực hiện về bố trí trận địa, trinh sát mặt trận để chọn hướng tấn công. Trong khi đó, địch hàng ngày điều máy bay trinh sát phát hiện vị trí quân ta; chúng bắn pháo cầm canh vào các khu vực chúng nghi ngờ. Xác định đây là trận đánh ác liệt vì hỏa lực địch mạnh; tiến hành đánh áp sát để hạn chế địch ném bom; tiểu đội cối của tôi phối hợp cùng tiểu đội súng cối bạn đánh áp chế hỏa lực địch hỗ trợ cho bộ binh.
Vào sớm một ngày cuối tháng 5/1968, toàn bộ đơn vị nổ súng vào căn cứ Cồn Tiên, thời gian đầu địch bất ngờ kháng cự yếu ớt, song khi ổn định chúng đánh trả quyết liệt, đồng thời pháo binh ở các căn cứ xung quanh đánh vào đội hình. Quân ta áp sát, hỏa lực địch trong căn cứ bắn ra, tôi cùng các khẩu đội súng cối bắn dồn dập chi viện cho bộ binh; nhiều ổ đề kháng tiêu diệt. Tuy nhiên, hỏa lực địch mạnh cùng phi pháo ở xung quanh hỗ trợ, lợi thế không quân, đơn vị ta rút quân để bảo toàn. Sau trận đánh này, ông Ngô Tiên Ninh được tặng danh hiệu Dũng sĩ quyết thắng cấp 2...

Năm 1969, đơn vị được lệnh rút ra phía bắc tỉnh Quảng Bình để bổ sung quân, tăng cường trang bị, tổ chức huấn luyện; sau đó lại tiếp tục vào chiến trường đánh địch. Đầu năm 1971, Trung đoàn 64 thực hiện mệnh lệnh tách khỏi đội hình Sư đoàn 320 từ huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để tăng cường cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Khi hành quân đến trạm giao liên 10, đường mòn Hồ Chí Minh ngày 31/1/1971 thì Trung đoàn 64 nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu cho biết, địch đã ra đến Bản Đông; Trung đoàn ngừng hành quân vào Đông Nam Bộ chuyển sang chiến dịch Đường 9 - Nam Lào phối thuộc với các đơn vị của Sư đoàn 308 đánh địch.
Sau khi gấp rút hành quân, ngày 5/2/1971, toàn bộ lực lượng Trung đoàn đến Trạm T4 (Bản Đông-Nam Lào) gặp tổ tác chiến của Sư đoàn 308 phối hợp đánh địch. Sau nhiều ngày trinh sát, xác định các điểm cần chốt giữ của địch tại khu vực Nam Lào, Tiểu đoàn 9 của ông Ninh có nhiệm vụ chốt giữ ngã ba La Tương ngăn chặn địch tăng viện. Ngày 9/2/1971, tất cả các đơn vị vào vị trí chiến đấu.
Bắt đầu ngày 10/2/1971 ta nổ súng, trận chiến đấu diễn ra ác liệt; lúc này ông Ninh ở Tiểu đội súng cối 82mm tham gia đánh vào vị trí của quân địch. CCB Ninh nhớ lại: Trinh sát tiểu đoàn thông báo, địch có khả năng đổ bộ bằng trực thăng để chiếm điểm cao 535 do các đơn vị của tiểu đoàn 9 ta đang chốt giữ. Tôi ở Tiểu đội 1 cùng khẩu cối 82mm; Tiểu đội 2 mang 1 khẩu cối 82mm di chuyển cách vị trí tôi 200m để bố trí trận địa cùng hiệp đồng tập kích địch.
Thế nhưng, Tiểu đội 2 bị địch phát hiện bắn hỏa lực vào mất khả năng chiến đấu. Tiểu đội cối của tôi đặt cách nơi địch đổ bộ 800m, lấy tọa độ chờ trực thăng đổ quân bắn. Khi các trực thăng liên tiếp đổ quân xuống vị trí trống, tôi thả liên tiếp 70 quả đạn cối 82mm vào vị trí địch; bãi đáp trở ên hỗn loạn, trực thăng chưa kịp đổ quân bị mảnh cối văng vào chao đảo lao xuống đất bốc cháy. Trận phục kích của Tiểu đội cối ông Ninh tiêu diệt hàng trăm tên địch.
Việc chiếm cao điểm thất bại, ta liên tiếp tấn công Tiểu đoàn 9 tổ chức truy kích, áp sát căn cứ 31 địch theo lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch. Từ ngày 20-25/2/1971, Trung đoàn 64 thực hành bao vây, tiêu diệt địch và tiêu diệt toàn bộ bộ chỉ huy cơ quan lữ đoàn 3 dù của quân Ngụy, bắt sống hàng trăm tên. Sau chiến dịch này, CCB Ngô Tiến Ninh được tặng Dũng sĩ quyết thắng cấp 3.
Sau chiến dịch Đường 9 - Nam Lào thắng lợi, đơn vị của CCB Ngô Tiến Ninh tiếp tục diệt địch ở các chiến trường Tây Nguyên; trong một trận đánh địch tại Đắk Tô, Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) CCB Ngô Tiến Ninh tiếp tục lập công và được tặng Dũng sĩ quyết thắng cấp 3.
Tiến về Sài Gòn
Vào tháng 3/1975, quân ta mở chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, địch tan rã từng mảng; quân ta liên tiếp giải phóng Huế, Đà Nẵng thẳng tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 thuộc Quân đoàn 3, là một trong 5 cánh quân giải phóng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lúc này, ông Ngô Tiến Ninh làm trợ lý tham mưu của Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 tham gia Chiến dịch giải phóng Sài Gòn.
Theo CCB Ngô Tiến Ninh, rạng sáng 29/4/1975, Sư đoàn 320 được lệnh tấn công căn cứ Đồng Dù (huyện Củ Chi) để tiêu diệt Sư đoàn 25 - Ngụy đang đóng quân tại đây. Đây là căn cứ quân sự rộng nhiều lớp hàng rào với khoảng 3.000 lính ngụy án ngữ phía Tây Bắc Sài Gòn. Tiêu diệt được căn cứ này sẽ mở ra cánh cửa phía Tây Bắc cho bộ đội giải phóng tiến công vào Sài Gòn.

Trung đoàn 64 được giao nhiệm vụ chiến đấu ở vòng ngoài, tăng cường cho Sư đoàn bộ binh 10 của Quân đoàn 3 chốt giữ hai cây cầu huyết mạch là cầu Bông (nay là cầu An Hạ, huyện Hóc Môn) và cầu Sáng (nay thuộc huyện Hóc Môn) nằm giữa Đồng Dù và Sài Gòn, ngăn quân địch phản công, tạo điều kiện cho lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 3 đánh chiếm các mục tiêu nội đô.
Tiểu đoàn 9 của ông Ngô Tiến Ninh được giao đánh chiếm và bảo vệ cầu Bông ngăn chặn địch đánh sập. Nếu cầu sập các xe tăng và thiết giáp của ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn tiến vào Sài Gòn. Ông Ninh kể: Dưới cầu Bông là bãi sình lầy, sau khi trinh sát đánh giá, cầu có khoảng 1 đại đội địch chốt giữ 2 đầu với hỏa lực mạnh; súng chống tăng cùng nhiều ụ súng tạo lá chắn thép để ngăn chặn quân ta. Trong khi các đơn vị, cánh quân khác đánh các vị trí đã định, 4 giờ sáng, ngày 29/4 Tiểu đoàn 9 bất ngờ tập kích đánh mạnh vào vị trí địch; sau khoảng 10 phút giao tranh địch hoảng loạn rút chạy. Ta chiếm được cầu và bảo vệ cây cầu an toàn.
“Sau đó đơn vị tôi vào huyện Hóc Môn rồi tiến nội đô Sài Gòn. Đang hành quân trên các con phố, trưa 30/4, trên loa phát thanh phát bản đầu hàng của Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh. Tất cả các anh em vui mừng hoan hô; dọc hai bên đường chúng tôi đi cờ giải phóng tung bay, nhân dân vẫy tay chào quân giải phóng; giây phút hạnh phúc của người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Chiều muộn ngày 30/4/1975 đơn vị hợp điểm tại Dinh Độc Lập, tôi hạnh phúc và ôm các đồng đội; nhiều người khóc; giây phút đó tôi không bao giờ quên”- ông Ninh kể tiếp.

Có lẽ nhớ nhất giây phút tối 30/4/1975, ngày đầu tiên thống nhất, không ai ngủ được. CCB Ngô Tiến Ninh kể: Cả đơn vị tôi mắc võng ở khuôn viên Dinh Độc Lập ngủ, xung quanh đèn điện sáng trưng. Cả thành phố im lặng. Nhiều đồng đội vui mừng không ngủ được. Người kể chuyện, người nói sau chiến tranh làm gì. Tôi kê tờ giấy lên ba lô ngồi viết thư cho bố mẹ ở quê. Nội dung bức thư đó tôi vẫn còn nhớ từng câu từng chữ: “Con phương xa gửi bố mẹ. Hôm nay hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Con còn sống và đã hoàn thành nhiệm vụ. Con sẽ trở về với bố mẹ cùng anh chị em...!”.
Sau giải phóng, năm 1976 ông Ngô Tiến Ninh xuất ngũ quay về Sở NN&PTNT tỉnh tiếp tục công tác. Năm 1982 ông xin về nghỉ chế độ. Trải qua nhiều năm chinh chiến qua các chiến trường, ông đều hoàn thành nhiệm vụ được giao. Về với đời thường, ông tích cực tham gia công tác hội CCB ở địa phương. Giờ đây, chiến tranh lùi xa, nhưng ký ức của CCB Ngô Tiến Ninh vẫn giữ hình ảnh đẹp đẽ thời "hoa lửa" đã cống hiến tuổi xanh vì độc lập, tự do cho quê hương đất nước.
Ý kiến ()