Mở rộng triển khai mô hình Chợ 4.0
Thời gian qua, mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” tại Quảng Ninh đã phát huy hiệu quả tích cực, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại không dùng tiền mặt. Qua đó, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện chủ trương nhân rộng mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt”, đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 19 chợ hạng 1; 11 chợ hạng 2 và 13 chợ hạng 3 đã triển khai thực hiện mô hình Chợ 4.0. Trong đó, riêng thành phố Hạ Long đã triển khai mô hình tại tất cả các chợ trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, 100% các chợ trung tâm chấp nhận thanh toán các khoản phí và thực hiện thanh toán hóa đơn điện, nước thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tỷ lệ số hộ kinh doanh tại chợ chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt trung bình 83%. Một số chợ có tỷ lệ các hộ kinh doanh chấp nhận thanh toán không dùng mặt đạt cao, như: Chợ Trung tâm Cẩm Phả đạt 89,58%, chợ Trung tâm Móng Cái đạt 100%...
Cùng với đó, hiện nay 100% cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã triển khai ít nhất 1 giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện thanh toán mua bán xăng dầu (qua thẻ ngân hàng, QR code, Ví điện tử, thẻ xăng dầu…). Ban Quản lý chợ Mạo Khê, Đông Triều tiếp tục duy trì sử dụng vé điện tử (vé xe trông giữ phương tiện, vé hàng lưu động...) tại các nhà xe và hàng hóa ra vào cổng của các hộ kinh doanh vào người dân đến chợ.
Mô hình “Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt” là một trong những hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh mua bán nói chung và thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng tại các chợ. Đồng thời, tạo điều kiện để người tiêu dùng trải nghiệm, tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại. Với mô hình Chợ 4.0, toàn bộ tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua tài khoản, ứng dụng Viettel Money vô cùng nhanh chóng, thuận tiện. Nhờ đó, người dân có thể thoải mái đi chợ mà không còn những trở ngại như mang theo tiền lẻ, tính toán tiền thừa… Đặc biệt, khi sử dụng tài khoản Viettel Money để giao dịch, khách hàng không có kết nối internet cũng vẫn có thể thanh toán được thông qua việc nhập mã trên điện thoại.
Để tiếp tục duy trì và mở rộng triển khai mô hình Chợ 4.0 trên địa bàn tỉnh, phấn đấu triển khai tại 100% các chợ trên địa bàn, Quảng Ninh đang yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch hằng năm tiếp tục duy trì hiệu quả và mở rộng triển khai mô hình Chợ 4.0 và nâng cao tỷ lệ số hộ kinh doanh chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% các chợ hạng 1 và chợ hạng 2 trong năm 2024. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng, phấn đấu triển khai hiệu quả tại 100% các chợ trên địa bàn trong năm 2025. Tỉnh cũng giao Tổ công nghệ số cộng đồng phối hợp với Ban quản lý các chợ hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng tại các chợ 4.0. Giao Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại phối hợp thực hiện hướng dẫn các hộ kinh doanh tại các chợ khởi tạo và sử dụng mã QR để thực hiện thanh toán các giao dịch; đảm bảo kết nối, liên kết các tài khoản ngân hàng với ví điện tử của các đơn vị viễn thông được đồng nhất.
Cùng với mô hình Chợ 4.0, hiện Quảng Ninh cũng đã triển khai thanh toán không dùng tiền mặt với kết quả 13/13 địa phương thực hiện chi trả qua tài khoản cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền điện đạt 89,41%; doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thanh toán tiền nước đạt 84,19%... Từ 1/6, tỉnh tổ chức đợt cao điểm hỗ trợ triển khai thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Qua đó, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ “100% các cơ sở kinh doanh, bán lẻ xăng dầu triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt”.
Ý kiến ()