
Mất dấu F0
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 trên toàn thế giới đang bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt nhất. Dịch đã cướp đi sinh mạng của trên 95.600 người và chắc chắn rằng con số này sẽ còn gia tăng trong thời gian tới bởi dịch đang diễn biến phức tạp, khó lường với hơn 1,6 triệu người mắc dịch ở hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hơn hai tháng qua, Việt Nam chúng ta cũng căng mình, dồn lực đẩy lùi dịch bệnh với sự đoàn kết, chủ động, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Từ sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, cùng đồng bào trên khắp mọi miền đất nước, công tác chống dịch của Việt Nam được thế giới ghi nhận, đánh giá cao. Đến thời điểm này, nước ta mới ghi nhận 255 trường hợp mắc. Trong đó, đã chữa khỏi bệnh hoàn toàn cho 128 người.
![]() |
Chợ là một trong những nơi nguy cơ cao lây nhiễm dịch Covid-19. |
Dù đạt được kết quả bước đầu hết sức tích cực, nhưng ở thời điểm này, Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam xác định cả hệ thống chính trị cùng với toàn thể đồng bào tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Bởi nước ta đang ở giai đoạn 3 của dịch, với nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Đặc biệt, hiện đã có những ca bệnh không tìm ra nguồn lây từ đâu (mất dấu F0). Nghĩa là không xác định được người bệnh F0 là ai, ở đâu… Việc mất dấu các ca F0 là dấu hiệu bệnh đã lây ra cộng đồng. Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn khiến dịch lan rộng, khó kiểm soát, bất cứ ai cũng có thể bị lây bệnh.
Đơn cử như trước đây, những ca lây ra cộng đồng còn xác định được ca F0 như khu vực Trúc Bạch (Hà Nội) liên quan đến bệnh nhân số 17, hay khu vực Bình Thuận liên quan bệnh nhân số 34. Thế nhưng, hiện nay ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP Hồ Chí Minh) giờ không thể xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên. Và trên thực tế, nếu không kiểm soát tốt, ở một số địa phương trong nước cũng có nguy cơ xuất hiện những tình trạng như vậy.
Trong bối cảnh ở một số nơi đã xuất hiện mất dấu F0 thì những nơi tập trung đông người rất dễ là nguồn gây bùng phát dịch, vì không biết ai là người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Chính vì vậy, để phòng, chống dịch hiệu quả cách tốt nhất là người dân nên ở nhà, tránh tiếp xúc cộng đồng, thực hiện tốt dãn cách xã hội, cách ly toàn xã hội, tuyệt đối không đi ra ngoài khi không có việc cần thiết. Đồng thời, hết sức cảnh giác với những ca nhiễm trong cộng đồng.
Chỉ cần chúng ta chủ quan, lơ là để dịch lan rộng sẽ dẫn tới khó khoanh vùng được các ổ dịch. Khi số ca bệnh nhiều lên chắc chắn tạo sức ép lớn lên hệ thống y tế, gây khó khăn lớn cho đất nước.
![]() |
Người dân ở nhà, không ra nơi công cộng lúc này là biện pháp tốt nhất phòng, chống dịch. |
Để dịch không bùng phát ngoài cộng đồng thì rất cần sự chung tay, góp sức, đoàn kết, nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân của toàn thể đồng bào trong cả nước. Trong đó, việc đơn giản, hiệu quả nhất là mỗi người, mỗi nhà tự giác, chủ động thực hiện nghiêm cách ly toàn xã hội, dãn cách xã hội theo đúng yêu cầu Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm dãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Người dân hãy ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác, các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn… Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m...
Lúc này, chỉ cần một người dân, một gia đình, một doanh nghiệp, một địa phương… chủ quan, lơ là, thiếu quyết liệt trong phòng, chống dịch là bao nhiêu công lao, cố gắng, nỗ lực bấy lâu của cả đất nước đổ xuống sông, xuống biển. Vì vậy, sự đoàn kết, cùng chung ý chí, quyết tâm, đồng lòng sẽ giúp Tổ quốc ta vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch.
Thái Bình
Ý kiến ()