Lừa đặt tour du lịch
Thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số đã tác động mạnh mẽ đến đời sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Lợi dụng môi trường mạng, công nghệ số, nhiều loại tội phạm lừa đảo, nhất là sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật để trục lợi cá nhân. Thời gian qua loại tội phạm lừa đảo qua mạng có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn, phương thức ngày càng tinh vi, khiến nhiều người dân bị “mắc bẫy”.
Hiện nay, có rất nhiều hình thức lừa đảo như tội phạm giả danh công an, kiểm sát, tòa án... gọi điện thông báo có liên quan đến các vụ án đang điều tra yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến các tài khoản được chỉ định; gọi điện nói người dân nợ tiền điện, tiền điện thoại rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của kẻ lừa đảo; lừa đặt mua vé máy khi khách hàng chuyển tiền thì cắt mọi liên lạc, hay lợi dụng lòng tin và nhu cầu của người lao động, một số đối tượng đã giả danh là người của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hỗ trợ, cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID - bảo hiểm xã hội số nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động… Mới đây nhất là lợi dụng nhu cầu của người dân đi du lịch tăng cao trong dịp nghỉ hè, nhiều đối tượng trên mạng xã hội đã chào mời các tour, đặt combo du lịch giá rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Như vừa qua, một số cá nhân, đơn vị chào bán cung cấp dịch vụ tour, combo du lịch trên khách sạn có tên "Fantasy Ha Long Bay" được xây dựng trong núi đá giữa Vịnh Hạ Long. Theo lời quảng cáo, khách sạn có vị thế lưng tựa núi, nằm bên trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Thông tin đưa lên đã nhận được khoảng 4.100 bình luận, 2.000 like, khoảng 2.500 lượt chia sẻ. Tuy nhiên, đại diện Ban Quản lý Vịnh Hạ Long khẳng định, không tồn tại khách sạn này giữa Vịnh Hạ Long. Đây là một hành vi có dấu hiệu lừa đảo, do đó du khách không nên tin và chia sẻ thông tin sai lệch trên.
Hay trước đó, lợi dụng nhu cầu của du khách đi du lịch Cô Tô tăng cao trong dịp hè, nhiều đối tượng đã chào mời các tour, combo du lịch giá rẻ trên mạng xã hội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng lừa đảo đã sử dụng tài khoản ảo trên mạng xã hội, tự xưng là nhân viên hoặc cộng tác viên của các công ty du lịch, hãng lữ hành hoặc khách sạn trên đảo Cô Tô rồi ra sức chào mời, giục khách chuyển tiền đặt phòng, đặt vé tàu trước với lý do đang mùa cao điểm, nếu không đặt nhanh sẽ hết chỗ. Không chỉ vậy, để thu hút sự chú ý của du khách, những kẻ lừa đảo này còn đưa ra mức giá rẻ hơn so với mặt bằng chung, đặt được những khách sạn mà các đại lý khác không đặt được. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền chuyển khoản, các đối tượng này đã chặn mọi liên lạc với khách.
Trước thực trạng này, huyện Cô Tô đã khuyến cáo du khách đặt tour ra đảo cần lựa chọn các đơn vị lữ hành uy tín trên địa bàn, yêu cầu cung cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép kinh doanh lữ hành và 1 số giấy tờ chứng thực có giá trị pháp lý khác. Du khách cũng cần chủ động đặt dịch vụ trực tiếp với các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch tại Cô Tô như tàu vận tải, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng... Đặc biệt du khách không nên đặt dịch vụ qua trung gian nhằm tránh rủi ro hoặc mua cao hơn so với giá niêm yết.
Trước tình trạng lừa bán tour du lịch qua mạng xã hội có chiều hướng gia tăng thì rất cần sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, lực lượng chức năng liên quan trong tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra, xác minh những tổ chức, cá nhân cung cấp tour, combo du lịch lừa đảo để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi lừa đảo, qua đó tạo hình ảnh đẹp, môi trường kinh doanh du lịch văn minh, lành mạnh.
Trong thời đại công nghệ số, công nghiệp 4.0, tội phạm sử dụng công nghệ cao, lừa đảo qua mạng cũng có chiều hướng gia tăng với đa dạng về thủ đoạn, phương thức. Để không mất tiền oan thì người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, nên phân tích kỹ lưỡng, kiểm tra lại thông tin khi nhận được những lời đề nghị hậu hĩnh đến từ các đối tượng trên mạng xã hội hoặc qua điện thoại. Có như vậy mới tránh được bị các đối tượng xấu lừa đảo mất tiền oan.
Ý kiến ()