Lối đi cho xe lăn
Bạn tôi có một cô bạn gái ở quê bị liệt, phải ngồi xe lăn từ nhỏ. Hôm rồi cô ra Quảng Ninh, đến chơi nhà anh, lại tình cờ đúng hôm khu phố tổ chức liên hoan văn nghệ mừng sinh nhật Bác, 19-5. Biết cô bạn cũng mê hát và hát khá hay, nên anh rủ bạn đến Nhà văn hoá khu phố cùng tham gia chương trình... Hôm sau gặp, tôi tò mò hỏi: “-Thế nào, đêm liên hoan văn nghệ vui chứ?”. Nét mặt anh thoáng vẻ ưu tư, bảo: “-Bọn mình đến rồi về ngay, có tham gia đâu!”. Hỏi thì hoá ra khi đến Nhà văn hoá, nhìn thấy chỉ có một lối lên là những bậc tam cấp (đúng hơn là “cửu cấp” cơ, vì có tới 9 bậc), anh bạn thoáng lúng túng... Thấy vậy, cô bạn nói: “-Không sao đâu, bọn mình ngồi dưới sân nghe hát một lúc rồi về cũng được mà!”. Nói thì nói vậy, nhưng nét mặt cô bạn không giấu được nỗi buồn và cuộc đi chơi của hai người không còn hào hứng như ban đầu nữa...
Nghe chuyện của bạn, tôi chợt giật mình nhớ lại nhiều lần đi siêu thị, nhà hàng, cả khi đến các đền, chùa, miếu mạo v.v.. nữa, thỉnh thoảng vẫn thấy những người khuyết tật ngồi ở bên ngoài, bởi lối lên không có đường dành cho xe lăn. Thậm chí ở một số nơi, trụ sở văn phòng tiếp dân cũng như vậy, lối lên là những bậc tam cấp mà chỉ có người bình thường mới đi được! Đành rằng họ - những người khuyết tật, chẳng ai than vãn hay kêu ca phàn nàn điều gì cả. Nhưng chính vì họ không kêu ca, phàn nàn nên lại càng khiến ta suy nghĩ. Thước đo một xã hội văn minh là ở mức độ tôn trọng quyền của từng con người trong xã hội ấy. Những người khuyết tật hoàn toàn có quyền được hưởng những phúc lợi công cộng như mọi người khác. Vậy thì không có cớ gì họ lại phải chấp nhận sự đối xử không công bằng cả! Đáng tiếc là dường như điều này ở ta hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa nói tới trụ sở các cơ quan nhà nước, văn phòng các đơn vị, tổ chức xã hội v.v.. mà ngay những công trình phúc lợi công cộng như nhà văn hoá thôn, khu, nhà bảo tàng, thư viện, siêu thị v.v.. cũng hiếm thấy có đường dành cho xe lăn...
Xem truyền hình, chúng ta thấy với một số chương trình quan trọng, bên cạnh phát thanh viên bằng lời nói có một “phát thanh viên” bằng ngôn ngữ cử chỉ để phục vụ các khán giả khiếm thính! Đây là việc làm thể hiện sự tôn trọng quyền con người, thể hiện tính văn minh của xã hội!
Từ những điều đó, thiết nghĩ trong quá trình xây dựng công trình phúc lợi công cộng, hay những công trình liên quan nhiều đến việc tiếp xúc với người dân (như trụ sở văn phòng tiếp dân chẳng hạn...) thì việc thiết kế đường dành cho xe lăn phải được đặt ra như một yêu cầu bắt buộc; công trình nào không có đường dành cho người khuyết tật trong thiết kế thì không được cấp phép xây dựng. Thiển nghĩ, đây không phải là “chuyện nhỏ”, mà như nói ở trên, nó là thước đo văn minh của mỗi người và mỗi cộng đồng. Bạn thử tưởng tượng xem, nếu vào một khách sạn nào đó mà thấy lối lên dành cho người khuyết tật được đảm bảo, ấn tượng ban đầu của bạn về chủ nhân của khách sạn chắc chắn sẽ có nhiều thiện cảm hơn, phải không nào?
Trung Luận
Ý kiến ()