
Linh hoạt các giải pháp thu hút đầu tư
Để phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư. Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ nhằm khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước… Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh luôn xác định thu hút, xúc tiến đầu tư (XTĐT), nhất là dòng vốn FDI, là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng nguồn lực đầu tư nước ngoài, sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh. Theo quy hoạch, khi tính toán các nguồn lực để Quảng Ninh có thể thực hiện được các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, thì tỷ trọng vốn FDI chiếm khoảng 24% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do đó, Quảng Ninh cần có tư duy chiến lược, xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm và xác định được những nhà đầu tư xứng đáng để dành những cơ chế ưu đãi tốt nhất; như vậy mới có thể đón được dòng vốn lớn cũng như mời gọi được các nhà đầu tư đúng lĩnh vực mà tỉnh mong muốn.

Từ định hướng đó, Quảng Ninh xác định tận dụng các cơ hội từ tiềm năng, lợi thế, quyết tâm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Trong đó, có các ngành du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại, công nghiệp chế biến - chế tạo, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp phụ trợ, kinh tế biển, logistics, năng lượng sạch… Trong năm 2024, Quảng Ninh đã thu hút trên 2,8 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đưa tỉnh vào nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI. Đây là một thành tựu ấn tượng trong bối cảnh nhiều khó khăn bao trùm. Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh trong việc tiếp và làm việc với 40 đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các đoàn này đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực như cảng biển, logistics, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và phát triển bền vững. Một số đoàn tiêu biểu bao gồm: Phòng Xúc tiến thương mại Dubai Chambers Việt Nam với mục tiêu hợp tác trong chế biến và xuất khẩu nông - lâm - thủy sản; nhà đầu tư Trùng Khánh (Trung Quốc) với dự án sản xuất và tái chế nhôm công suất 400.000 tấn/năm; cùng nhiều tổ chức quốc tế khác tìm hiểu về năng lượng, môi trường và công nghệ cao.
Bên cạnh đó, các dự án lớn được đề xuất hoặc nghiên cứu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt. Ví dụ, Công ty B.Grimm Power (Thái Lan) đang nghiên cứu dự án điện gió tại Đông Triều và Uông Bí, với tổng công suất 100MW và mức đầu tư khoảng 160 triệu USD, nhằm cung cấp nguồn điện sạch cho khu công nghiệp Amata tại Quảng Yên. Một dự án khác là Khu công nghiệp sinh thái Net Zero tại Uông Bí, được đề xuất bởi Công ty Cổ phần Shinec, với giai đoạn đầu đầu tư khoảng 280ha và tổng vốn lên tới 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, liên danh Greenlink Đà Nẵng và Công ty YNC (Hàn Quốc) đã triển khai dự án tái thiết rừng, phát triển lâm nghiệp tre và tín chỉ carbon sau bão Yagi tại huyện Ba Chẽ. Dự án này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái sau thiên tai.
Song song với việc thu hút các nguồn vốn đầu tư lớn, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này thể hiện rõ qua Quyết định số 1919/QĐ-UBND của UBND tỉnh, phê duyệt đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030. Đây là một bước đi quan trọng nhằm xây dựng nền kinh tế địa phương vững mạnh, dựa trên nền tảng phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ tối đa để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Sở Công Thương Quảng Ninh đã triển khai nhiều chương trình thiết thực như cung cấp thông tin, tổ chức hội thảo và hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu. Đặc biệt, tỉnh đã cập nhật, chuẩn hóa bộ công cụ XTĐT mới nhất, bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu, tài liệu XTĐT với hình thức thiết kế hiện đại, chuyên nghiệp bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; video clip XTĐT hiện đại và đầy đủ thông tin. Bộ công cụ này cung cấp những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh, từ lực lượng lao động tới hạ tầng giao thông, điện, nước... Cùng với đó, Quảng Ninh cũng chủ động tiếp cận tổ chức, cá nhân có sức ảnh hưởng và có vai trò quyết định; nhanh chóng hỗ trợ thủ tục đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp. Một ví dụ tiêu biểu là việc xuất bản cẩm nang hướng dẫn xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU và phổ biến tài liệu này đến các sở, ban ngành cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị sản phẩm. Các đối tác như Hà Lan, Indonesia, Slovakia và Brazil đã được tiếp cận thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại và hợp tác. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Quảng Ninh mà còn mở ra cơ hội lớn để phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn.
Trong quá trình xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, các sở, ngành và đơn vị liên quan của tỉnh đã tập trung giới thiệu các cơ hội đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp chế biến chế tạo, hạ tầng cảng biển, dịch vụ logistics và năng lượng tái tạo. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận nhà đầu tư, tỉnh còn chủ động hướng dẫn họ khảo sát thực địa và cung cấp thông tin chi tiết về các dự án tiềm năng. Nhìn chung, những nỗ lực không ngừng của Quảng Ninh trong việc phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp đã tạo nên một bức tranh kinh tế đầy triển vọng cho tỉnh.
Ý kiến ()