Để kinh tế di sản phát huy hiệu quả bền vững
Tại Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Ninh tổ chức sáng 21/12, nhiều đại biểu là học giả, chuyên gia, nhà lãnh đạo, quản lý trong cả nước đã tham gia nhiều giải pháp, kiến nghị tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cả nước nói chung tiếp tục phát triển hiệu quả kinh tế di sản.
TS Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Kinh tế di sản là động lực mới, tạo sự đột phá cho nền kinh tế”. Hiện nay, phát triển kinh tế di sản dựa trên khai thác các giá trị của di sản văn hóa đang ngày càng được chú trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Thời gian qua, việc phát triển di sản ở nước ta đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng hiệu quả từ kinh tế di sản chưa thật sự khai thác hết tiềm lực của những di sản hiện có. Việc khai thác các di sản văn hóa với tư cách là một nguồn lực phát triển đang trong tình trạng thiếu kiểm soát nghiêm trọng, có di sản bị bỏ sót, cũng có những di sản bị khai thác quá mức. Trong khi đó kinh tế di sản đang được coi là động lực mới, tạo sự đột phá cho nền kinh tế, nâng cao vị thế của địa phương và quốc gia. Để phát triển kinh tế di sản, chúng ta cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực bảo vệ và quản lý di sản văn hóa theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước cấp trung ương với chính quyền địa phương; hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chế nội dung liên quan đến kinh tế di sản; sáng tạo các sản phẩm dịch vụ văn hóa mang tích đặc trưng và bản sắc văn hóa, địa phương, vùng miền trong xã hội hiện đại. Đồng thời, gắn kết di sản văn hóa với phát triển du lịch và kết nối vùng, các địa phương trong phát triển du lịch bền vững theo phương châm “lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”; đẩy mạnh hợp tác đầu tư của doanh nghiệp để hoàn thiện kết cấu hạ tầng dịch vụ. |
GS.TS Đinh Xuân Dũng, Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình VHNT Trung ương: “Cần phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân bản địa”. Hệ thống các di sản, xét từ cội nguồn đều do nhân dân làm chủ thể. Ngược lại, di sản, di tích nào thiếu vai trò chủ thể đó sẽ giảm dần ý nghĩa và có khả năng lụi tàn. Bởi không ít nơi, khi kinh tế di sản, du lịch phát triển, một bộ phận người dân bản địa đứng ngoài hoặc trở thành người làm thuê, thậm chí có nơi, người dân lại mất quyền thụ hưởng các giá trị của di sản văn hóa, vẻ đẹp của danh lam, thắng cảnh của quê hương mình. Khiến cho di sản ở nơi đó sẽ không phát triển bền vững mà còn làm méo mó vai trò của nhân dân trong hoạt động kinh tế di sản. Theo tôi, Quảng Ninh cần quan tâm đặc biệt đến vai trò của người dân bản địa. Người dân phải được đặt vào chủ thể, cả bảo vệ và thụ hưởng trong quá trình khai thác các tài sản vô cùng quý hiếm đó. Việc huy động tối đa nguồn lực, vật lực, tài lực của nhân dân sẽ là nhân tố quyết định lâu dài. Để làm được điều này, Quảng Ninh cần nâng cao trình độ, năng lực và nguồn lực của người dân khi tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh tế di sản; nâng cao sự thấu hiểu và tình yêu đối với di sản văn hóa quê hương; đào tạo hướng dẫn viên du lịch trực tiếp tham gia vào hoạt động quảng bá kinh tế du lịch ngay trong lực lượng thanh niên; hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm du lịch riêng có của tỉnh… Đặc biệt, năm 1960, Tổng Bí thư Lê Duẩn đến thăm Quảng Ninh đã nhận xét “Than đá có thể hết, nguồn lợi về Hạ Long thì vô tận”. Tôi cảm nhận đó như một sự tiên đoán về tiềm năng, nội lực của Quảng Ninh trong phát triển bền vững kinh tế di sản. Khi đi theo hướng này, tôi tin Quảng Ninh chắc chắn đạt nhiều thành tựu mới. |
TS Phùng Quốc Hiển, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội: “Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản”.
Quảng Ninh có nhiều di sản tự nhiên và di sản văn hóa, nhất là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Vì vậy, tỉnh cần phải lựa chọn hướng phát triển đúng, đúng xu thế, giảm mức độ xung đột giữa các mục tiêu phát triển của tỉnh, nhất là những xung đột, mâu thuẫn ảnh hưởng đến công tác bảo tồn các giá trị di sản. Theo đó, nên giảm dần công nghiệp liên quan khai thác khoáng sản, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm, tổn hại đến đến giá trị di sản. Đồng thời, thực hiện tốt ý tưởng của Bác Hồ khi đặt tên Quảng Ninh là “bền vững”, lấy phát triển bền vững là hướng đi lâu dài, cương quyết không đánh đổi phát triển nhanh mà ảnh hưởng đến tính bền vững, nhất là bảo tồn di sản thiên nhiên, môi trường, động thực vật quý hiếm của Quảng Ninh. Quảng Ninh cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế của di sản, trong đó lấy bảo tồn là cốt lõi, là trung tâm mang tính lâu dài. Phát huy giá trị kinh tế là cần thiết, tạo nguồn lực tài chính cho bảo tồn, nhưng không được ảnh hưởng đến nhiệm vụ bảo tồn di sản. Muốn vậy, cần làm tốt công tác quản trị vùng, quản trị của địa phương một cách có hệ thống, bảo đảm vai trò của quản trị với di sản từ khâu quy hoạch, kế hoạch, lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả quá trình tổ chức thực hiện. |
PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân: “Cần xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế kỳ quan thế giới”. Quảng Ninh cần có các biện pháp để thúc đẩy các giá trị của di sản, trong đó xây dựng mô hình hệ sinh thái kinh tế kỳ quan thế giới. Mô hình này thực hiện trên nguyên tắc nâng cấp hình ảnh Vịnh Hạ Long và Quảng Ninh, coi trọng phát triển kinh tế di sản, phát triển hạ tầng kinh tế di sản, hệ thống dịch vụ bổ sung, như: Lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí, nghiên cứu, tìm hiểu và quảng bá hình ảnh, coi trọng thu hút các loại du khách đến với di sản. Hiện nay, hầu hết khách tham quan Việt Nam đều đến Quảng Ninh tham quan Vịnh Hạ Long, kể cả khách hạng thương gia hoặc các tỷ phú thế giới. Đây là nguồn khách du lịch có khả năng chi trả rất cao. Trong dài hạn, Quảng Ninh có thể thu hút lượng khách có thu nhập cao, khách thương gia chi trả lớn. Thông qua sân bay Vân Đồn và đường cao tốc cùng hệ thống cảng biển đa dạng, phong phú để vận hành hiệu quả, cũng như tạo động lực thu hút dòng khách đặc biệt này. Tỉnh cần quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, phát triển ứng dụng công nghệ và đổi mới mô hình kinh doanh du lịch, dịch vụ, sản xuất, tiêu dùng theo hướng kinh tế di sản để trở thành địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế di sản. Việc tăng cường kết nối chuỗi du lịch trong và ngoài nước, tạo ra nhiều đặc sản để tăng sức hấp dẫn từ dịch vụ đến sức hấp dẫn của di sản. Đồng thời, gia tăng trải nghiệm cho du khách, hướng đến đa dạng các thị trường, tạo sức cạnh tranh của điểm đến trong nước và khu vực. |
Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Ngọc Sơn: “Hoạch định chủ trương, chính sách phục vụ phát triển kinh tế di sản”. Kinh tế di sản phụ thuộc vào nguồn tài nguyên là hệ thống di sản thiên nhiên và di sản văn hóa của các địa phương. Nội hàm của nền kinh tế di sản trên địa bàn TP Hạ Long chủ yếu dựa vào giá trị ngoại hạng, nổi bật toàn cầu của Vịnh Hạ Long và những tinh hoa văn hóa quá khứ nhưng hiện hữu trong đời sống đương đại. Thành phố đã có nhiều nỗ lực để tập trung phát huy các giá trị văn hóa, khai thác kinh tế di sản. Tuy nhiên, Hạ Long cũng gặp không ít thách thức giữa đảm bảo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ kinh tế di sản chưa đáp ứng được yêu cầu cho sự phát tiển; thiếu hụt nhân lực chất lượng cao… Hội thảo với nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã giúp TP Hạ Long sáng tỏ nhận thức về phát triển kinh tế di sản theo hướng toàn diện và bền vững; góc nhìn mới, hoạch định chủ trương, chính sách thích hợp phục vụ cho phát triển kinh tế di sản, làm giàu thêm các di sản trong bối cảnh hiện nay. Thành phố tập trung phát triển các sản phẩm du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa địa phương (chèo thuyền kayak, thăm làng chài nổi, lễ hội thuyền buồm…); đặt giới hạn số lượng khách tham quan mỗi ngày tại các điểm nhạy cảm về môi trường như các hang động trên Vịnh; ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và quản lý di sản; tạo điều kiện ưu đãi về thuế, đất đai cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch bền vững… |
TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế: "Lấy di sản nuôi di sản". Khai thác giá trị kinh tế của di sản ở Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng đã tạo ra nguồn thu ngày càng lớn cho ngân sách địa phương và thu nhập cho người lao động trên địa bàn. Thực tiễn cho thấy, những kết quả đó chưa tương xứng với giá trị kinh tế tiềm năng của các di sản. Nguyên nhân căn bản của những hạn chế này là chúng ta đang khai thác giá trị kinh tế của di sản dựa vào truyền thống và kinh nghiệm cố hữu mà chưa hình thành và phát triển được một ngành kinh tế di sản thật sự năng động, hiệu quả. Ở góc nhìn của kinh tế, tôi cho rằng di sản là đầu vào để tạo ra nguồn lực, tạo ra thu nhập cho người dân và dùng nguồn lực đó để quay trở lại bảo tồn, phát triển di sản, tức là "lấy di sản nuôi di sản". Và kinh tế di sản nên nhận thức trên phương tiện kinh tế học, nghĩa là có đầu tư, doanh thu và lợi nhuận. Kinh tế di sản cũng không được định giá thông thường theo thị trường mà phải có cách định giá đặc biệt, vốn đầu tư ban đầu càng lớn, càng lâu dài thì lợi nhuận càng tăng. Quảng Ninh đang có những cách làm, ứng xử rất tốt với phát triển kinh tế di sản. Minh chứng rõ nét, Vịnh Hạ Long đang đứng thứ 2 về lượng du khách (sau phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam) nhưng lại vượt xa 7 di sản khác về doanh thu từ du lịch. Tôi kỳ vọng Quảng Ninh tiếp tục là hình mẫu của cả nước trong phát triển kinh tế di sản với những bước đi bền vững và nhiều bứt phá hơn nữa. |
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long: "Quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long theo Công ước Di sản thế giới". Quảng Ninh luôn xác định Vịnh Hạ Long là báu vật được thiên nhiên ban tặng cho nhân loại, là động lực quan trọng để tỉnh phát triển ngành Du lịch và chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”. Trong quá trình phát triển, cùng với thành phố thủ phủ Hạ Long, Quảng Ninh luôn lấy Vịnh Hạ Long là trung tâm của các định hướng, xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược và quy hoạch. Từ đó, định hướng xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh... gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Bám sát tinh thần của Công ước Di sản thế giới, Quảng Ninh luôn nỗ lực và trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các giải pháp để quản lý, bảo vệ hiệu quả tính toàn vẹn và phát huy bền vững khu di sản. Qua đó, xây dựng và không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý tổng hợp nhằm bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản; tăng cường nguồn lực để triển khai các hoạt động khảo sát, nghiên cứu nhằm bổ sung dữ liệu khoa học về các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, là cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ di sản. Tỉnh chú trọng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường di sản theo hướng xanh, bền vững thông qua việc giảm thiểu tác động từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên và ven bờ Vịnh đến tài nguyên, môi trường di sản; quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vvịnh Hạ Long. Đồng thời, chú trọng quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch và phát triển các sản phẩm mới để tạo sự khác biệt, có tính trải nghiệm; từng bước đổi mới công tác tuyên truyền, giới thiệu về tiềm năng, giá trị của di sản và công tác quảng bá, xúc tiến các hoạt động dịch vụ du lịch Vịnh Hạ Long. |
Ông Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Vân Đồn: “Hội thảo gợi mở nhiều định hướng cho Vân Đồn phát huy các giá trị di sản”. Hội thảo đã làm rõ các khái niệm, nhận thức về kinh tế di sản, đánh giá tiềm năng kinh tế di sản, thực trạng phát triển kinh tế di sản hay định hướng phát triển kinh tế di sản ở Quảng Ninh. Đây đều là những vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay để đưa kinh tế di sản thực sự trở thành động lực phát triển mới của tỉnh. Thông qua những ý kiến, giải pháp của các chuyên gia, huyện Vân Đồn rút ra những kinh nghiệm quý cho công tác quy hoạch, xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển và phát huy được các tiềm năng sẵn có, định hướng phát triển của Vân Đồn gắn với các giá trị di sản. Đồng thời, nỗ lực đưa Vân Đồn trở thành mũi kinh tế đột phá của tỉnh, sớm trở thành Khu kinh tế tri thức có trình độ khoa học và công nghệ cao, một đô thị biển thông minh, xanh, sạch; một không gian sinh thái văn hóa tiêu biểu, là vùng động lực phát triển của Quảng Ninh, vùng duyên hải Đông Bắc và đất nước. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn, phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Địa phương đang nỗ lực kết nối và triển khai tuyến du lịch kết nối Vịnh Hạ Long với Vịnh Bái Tử Long. Không chỉ thu hút khách du lịch đến với các điểm đến biển đảo vào mùa hè mà còn xây dựng các sản phẩm văn hóa, phát huy giá trị di sản độc đáo của vùng đất Vân Đồn, tạo nên thương hiệu điểm đến 4 mùa. Cùng với đó, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch cao cấp, hấp dẫn, phục vụ đa dạng các dòng khách đến với Vân Đồn. |
Ý kiến ()