Khúc Samba Hạ Long
Ngay sau khi lễ hội kết thúc, vào google gõ 4 chữ “Carnaval Hạ Long 2010”, hàng loạt các tờ báo điện tử đều gặp nhau ở những dòng tít lớn cho các tin, bài nóng hổi phản ánh về lễ hội như “Hoành tráng Carnaval Hạ Long 2010” “Carnaval Hạ Long 2010 rực rỡ sắc màu”, “Ấn tượng Carnaval Hạ Long ”.
Nhìn tổng thể trên bình diện chung, Lễ hội du lịch Hạ Long 2010 với 16 sự kiện lớn ở nhiều lĩnh vực như văn hoá, thể thao, thương mại….và có cả đối ngoại đã diễn ra hết sức suôn sẻ, tốt đẹp. Và tâm điểm lớn nhất của lễ hội chính là Carnaval Hạ Long 2010 đã thực sự chạm đích mà lãnh đạo tỉnh cũng như Ban tổ chức đặt ra. Đó là, trở thành lễ hội của nhân dân và du khách với phương thức tổ chức mới trên tinh thần đẩy mạnh xã hội hoá cùng chủ trương thực hành tiết kiệm song vẫn đảm bảo hiệu quả. Dấu ấn Lễ hội du lịch Hạ Long 2010 được thể hiện rõ nét nhất qua 3 điểm mới nổi bật, đặc sắc nhất của Carnaval.
Sự đột phá đầu tiên chính là một lễ hội không bị “cứng hoá” bởi nghi lễ khai mạc theo hình thức diễn văn vẫn thường diễn ra. Theo đó, tất cả được tập trung đẩy mạnh yếu tố “hội” với những tiết mục biểu diễn hết sức sinh động, lôi cuốn, hấp dẫn và mang đậm “chất” quê hương biển.
Nét mới thứ hai chính là việc bố trí khán đài với hơn 6000 chỗ ngồi phục vụ nhân dân và du khách. Nếu như ở những năm trước, “chi tiết” này thường chỉ được chú trọng dành cho một số đại biểu thì nay đã hoà vào một. Tất cả đều trở thành khách quý của lễ hội, từ người dân địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước. Điều này được thể hiện rất rõ qua một chi tiết nhỏ nhưng đã để lại ấn tượng lớn với nhân dân và du khách. Đó là chỉ có duy nhất một hàng ghế danh dự dành cho các bác nguyên là cán bộ cao nhất của tỉnh và một số vị khách đặc biệt của lễ hội; còn lại từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh và một số đồng chí Thứ trưởng một số Bộ đều ngỗi xen cùng du khách theo dõi lễ hội.
Và ấn tượng đặc biệt nhất, sâu sắc nhất chính là sự hoà mình của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh trong phần diễu hành trên đường phố. Một đồng nghiệp của Báo Quảng Ninh đến từ Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) đã khẳng định rằng, với góc nhìn của một nhà báo, chị thấy, thông điệp của tỉnh Quảng Ninh đó là từ lãnh đạo tới nhân dân đang hết mình cho du lịch phát triển đã được truyền tải với hiệu ứng mạnh mẽ khi hình ảnh nói trên phát đi rộng rãi trên sóng truyền hình quốc gia. Ngay sau khi Lễ hội kết thúc Ban tổ chức đã nhận được rất nhiều cuộc điện thoại chúc mừng thành công và biểu dương cách làm mới của Quảng Ninh, ngay cả những người dân bình thường cũng có thể nhận được lời chia sẻ những cảm nhận về Carnaval Hạ Long của bạn bè gần xa.
Dù đã thành “thương hiệu” nhưng tại Lễ hội du lịch Hạ Long 2010, lần đầu tiên, Carnaval có một giai điệu riêng. Đó là, bản nhạc khúc Samba Hạ Long. Chắc chắn rằng, qua Carnaval này, khúc Samba Hạ Long sẽ mang mãi suốt bốn mùa trên vùng đất Di sản –là lời mời gọi thân thiện, hấp dẫn với bạn bè trong và ngoài nước.
Ý kiến ()