Khu dân cư văn hoá và ATGT
Mục đích xây dựng mô hình là nhằm vận động các hộ gia đình không lấn chiếm hành lang giao thông, vỉa hè, đảm bảo đường thông, hè thoáng, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành luật lệ giao thông, không để xảy ra các vi phạm trật tự giao thông trong khu phố. Mô hình còn được gắn kết với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Mô hình này nếu được triển khai thành công và phát huy hiệu quả sẽ được nhân rộng ra 14 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Thực tế thời gian qua cũng như hiện nay, trên địa bàn tỉnh và ở các địa phương đã triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động, trong đó có các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào xây dựng “Làng văn hoá, khu phố văn hoá” v.v.. Tuy nhiên, hiệu quả của các phong trào này chưa cao. Các khu phố đua nhau lập cổng chào, kẻ vẽ khẩu hiệu thể hiện quyết tâm, nhưng thực tế nhiều hoạt động, việc làm thiếu văn hoá vẫn hằng ngày diễn ra ở các khu phố này. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xây dựng trái phép, đổ rác bừa bãi, vi phạm trật tự giao thông... dường như ở khu phố nào cũng có. Rồi việc bình xét danh hiệu “Gia đình văn hoá” vào các dịp cuối năm làm một cách đại khái, hình thức diễn ra phổ biến ở nhiều khu dân cư. Chính vì vậy những danh hiệu được công nhận không còn thiêng liêng, ý nghĩa nữa...
Việc phát động xây dựng “Khu dân cư văn hoá - An toàn giao thông” là rất cần thiết và thiết thực hiện nay, vì nếu mỗi gia đình, mỗi khu dân cư đều thực hiện tốt nếp sống văn hoá, không có người vi phạm pháp luật và các quy định thì xã hội sẽ tốt đẹp, văn minh lên nhiều. Tuy nhiên, để mô hình thành công thì việc triển khai phải thật cụ thể, có những tiêu chí rõ ràng, có kiểm tra, giám sát thường xuyên. Khi nào hội đủ các điều kiện, tiêu chí mới công nhận danh hiệu, tránh việc chạy theo phong trào, thành tích. Có như vậy mô hình mới đạt chất lượng, đảm bảo đúng thực chất, mới thực sự là điểm sáng để nhân rộng...
Ý kiến ()