Không tăng học phí
Năm học mới đã chính thức bắt đầu được hơn 2 tuần. Cũng như mọi năm, cứ bước vào đầu năm học mới là các bậc phụ huynh học sinh lại lo lắng, quan tâm nhiều đến việc đóng học phí cho con em mình. Những ngày qua, câu chuyện về tăng học phí, lạm thu đầu năm học mới được người dân, dư luận cả nước chú ý, bởi trong bối cảnh, đời sống, kinh tế của các gia đình còn gặp nhiều khó khăn khi mà chúng ta vừa vượt qua đại dịch Covid-19.
Năm học 2023-2024 này cả nước có hơn 22 triệu học sinh mầm non, phổ thông. Trong số hơn 22 triệu gia đình phụ huynh học sinh còn có rất nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, nhất là gia đình công nhân, lao động, nông dân sau đại dịch Covid-19 qua đi. Chính vì vậy, nỗi lo đầu năm học mới không phải là nhỏ đối với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình có nhiều con là học sinh.
Thấu hiểu nỗi lo học phí đầu năm học, mới đây, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 300/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Tại thông báo này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến, thống nhất với các bộ có liên quan để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, theo hướng quy định rõ một số điều khoản về việc chưa triển khai, chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP và không tăng học phí năm học 2023-2024.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu chính sách học phí toàn diện, bài bản, đảm bảo mục tiêu thực hiện xã hội hóa cũng như phổ cập giáo dục phổ thông. Trong đó, thực hiện phương châm ở những khu vực có điều kiện kinh tế, cần thúc đẩy xã hội hóa, khuyến khích tự chủ với các cơ sở giáo dục công lập trên cơ sở tính đúng, tính đủ chi phí giáo dục, dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng chính sách, yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa. Phó Thủ tướng nêu rõ nguyên tắc "không giảm ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục".
Thời gian qua, nhiều địa phương, trường đại học công bố lộ trình dự kiến tăng học phí với sinh viên, học sinh năm 2023-2024. Đáng chú ý, nhiều trường đại học có mức tăng từ 2-13 triệu đồng/năm học, hoặc tăng gấp đôi mức phí sinh viên cần đóng theo số tín chỉ học tập. Các địa phương cũng tăng mức học phí lên cao hơn so với năm ngoái theo khung quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo phương án điều chỉnh tăng học phí năm học 2023-2024 với bậc đại học so với năm học trước đó; bậc phổ thông giữ nguyên.
Đối với học phí phổ thông mức trần học phí với các trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên năm học 2023-2024 dao động từ 30.000-650.000 đồng/tháng tùy cấp học và khu vực. Với cơ sở giáo dục đã tự chủ, mức trần tối đa gấp 2-2,5 lần mức trên. Căn cứ vào mức trần này và tình hình địa phương, HĐND tỉnh, thành phố quyết định khung học phí bậc mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn.
Trong tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu rõ lộ trình, từ năm học 2024-2025, khung và mức học phí được điều chỉnh phù hợp theo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng không quá 7,5%/năm.
Như vậy là theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và dự thảo phương án điều chỉnh tăng học phí năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì dự kiến trong năm học này, học phí bậc giáo dục phổ thông sẽ không tăng. Đây thực sự là tin vui cho nhiều gia đình phụ huynh học sinh vào đầu năm học mới.
Ý kiến ()