Không phép (!?)
Cụ thể, đa số các đơn vị này đều không có giấy phép khai thác khoáng sản, không ký quỹ phục hồi môi trường và đất đai sau khi khai thác và đóng cửa mỏ. Thậm chí còn có đơn vị chưa ký hợp đồng thuê đất...
Những sai phạm trên đây thật khó tưởng tượng. Điều này nói lên ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị là rất kém. Song, có một điều đáng trách hơn là các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có liên quan đã quá buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của nhà nước ở các đơn vị. Một câu hỏi được đặt ra, nếu không có hoạt động thanh, kiểm tra này thì tình trạng hoạt động không phép của các đơn vị trên sẽ kéo dài đến bao giờ? Và điều này cũng lý giải phần nào nguyên nhân của tình trạng lộn xộn trong khai thác tài nguyên khoáng sản và gia tăng ô nhiễm môi trường trong thời gian vừa qua.
Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, có rất nhiều đơn vị tham gia hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản như than, đá, cát sỏi, vật liệu xây dựng, nước tự nhiên v.v. Trong khi đó công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này lại hết sức lỏng lẻo là điều không thể chấp nhận được. Không biết ngoài những đơn vị đã được kiểm tra, phát hiện còn bao nhiêu đơn vị khác đang hoạt động không phép trên địa bàn? Hậu quả của tình trạng này trước mắt có thể chưa hiện hữu, chưa rõ ràng nhưng về lâu dài chắc chắn sẽ là tai hoạ đối với sản xuất và đời sống của nhân dân.
Từ thực tế bức xúc này, đòi hỏi ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh và chính quyền các địa phương phải xiết lại công tác quản lý, tổ chức tổng kiểm tra trên địa bàn toàn tỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Nhà nước về tài nguyên khoáng sản, môi trường. Kiên quyết không giao đất khi các đơn vị chưa có giấy phép khai thác khoáng sản. Và không chỉ riêng trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường mà các lĩnh vực khác cũng cần được rà soát lại để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý và ngăn chặn tình trạng hoạt động không phép.
Ý kiến ()