
Không để xảy ra những câu chuyện buồn sau hỗ trợ thiệt hại dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra với tốc độ lây lan nhanh đã khiến cho người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề, tổng đàn vật nuôi bị sụt giảm nghiêm trọng, khả năng tái đàn lợn sẽ còn phải chờ thêm khoảng thời gian dài nữa. Để hỗ trợ người chăn nuôi khẩn trương chuyển đổi sang vật nuôi khác phục hồi kinh tế và đảm bảo nguồn cung thực phẩm cho thị trường tiêu dùng, tỉnh Quảng Ninh đã có chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi do bị dịch tả lợn châu Phi.
Cụ thể, từ ngày 8 đến 31/3/2019, tỉnh Quảng Ninh có chính sách hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh. Từ ngày 1/4 đến 24/5, ngoài mức hỗ trợ 38.000 đồng/kg lợn thịt, tỉnh đã điều chỉnh bổ sung, hỗ trợ thêm mức giá 76.000 đồng/kg đối với lợn nái và lợn đực. Từ ngày 25/5 đến 27/6, tỉnh tiếp tục điều chỉnh phương án hỗ trợ kinh phí 80% so với mức giá 38.000 đồng/kg. Mới đây, ngày 27/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 793 về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, người chăn nuôi sẽ nhận mức hỗ trợ mới với giá 25.000 đồng/kg lợn con, lợn thịt và 30.000 đồng/kg lợn nái, lợn đực.
Tính đến nay toàn tỉnh đã có 9/14 địa phương ra quyết định phê duyệt hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi với kinh phí hơn 24 tỷ đồng, trong đó 4 địa phương đã thực hiện chi trả đến hộ dân là Cẩm Phả, Đầm Hà, Uông Bí, Đông Triều, các địa phương còn lại đang thực hiện niêm yết công khai phương án hỗ trợ và thẩm định hồ sơ.
Hỗ trợ kinh phí cho người dân nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi đã được xây dựng và triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Đây là trợ lực rất lớn để người nông dân, hộ chăn nuôi trụ vững trước thiên tai, địch họa, khẳng định tính nhân văn của chế độ chính sách. Tuy nhiên, cũng trong quá trình thực hiện việc hỗ trợ thiệt hại này đã xảy ra tình trạng trục lợi chính sách gây những bức xúc trong dư luận nhân dân, gây khiếu kiện, khiếu nại, mất an ninh trật tự, mất lòng tin, mất cán bộ…
Bài học từ những sai phạm trong thực hiện giải ngân hỗ trợ thiệt hại do dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch lợn tai xanh của những năm trước vẫn còn đó. Sự không trung thực của người chăn nuôi trong kê khai số lượng gia súc, gia cầm, sự nhập nhèm của một số cán bộ cơ sở trong làm hồ sơ thanh quyết toán, bắt tay với người chăn nuôi để kê khai khống đàn vật nuôi bị dịch bệnh nhằm trục lợi chính sách đã dẫn đến những câu chuyện buồn ở làng quê người bị thôn, xã dè bỉu, coi thường, người thì bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý về mặt pháp luật do những sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra đã khiến cho 134.887 con lợn của 15.509 hộ dân ở 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh bị ốm, chết và buộc tiêu hủy. Nước mắt của người chăn nuôi đã rơi nhiều trên những nền chuồng trống rỗng. 30 ngày qua dịch đã không phát sinh trở lại ở 35 xã, phường của tỉnh, người chăn nuôi mong ngóng từng ngày nếu chưa được tái đàn lợn để đảm bảo các quy định về thú y, dịch bệnh thì sẽ được chuyển sang nuôi các con vật khác để khôi phục kinh tế. Và họ cũng đang rất mong nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước để có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất. Chính vì vậy, các địa phương khẩn trương triển khai nhanh việc giải ngân kinh phí hỗ trợ là rất cần thiết nhưng cũng cần phải thật chính xác đảm bảo công khai, công bằng, đúng quy định để việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân do thiên tai, dịch bệnh đem lại ý nghĩa thực sự và không để xảy ra những câu chuyện buồn phía sau những đồng tiền hỗ trợ thiệt hại.
Ngọc Lan
Ý kiến ()