
Không để người chăn nuôi phải chờ đợi tiền hỗ trợ
Dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn tỉnh từ những tháng đầu năm 2019 và lây lan rộng ra hầu hết các địa phương của tỉnh. Hậu quả do dịch bệnh gây ra là hết sức nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi cũng như các hộ chăn nuôi lợn.
Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến hết ngày 11/9 vừa qua, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 16.097 hộ dân trên địa bàn tỉnh (thuộc 161/186 xã, phường, thị trấn), với hơn 139.000 con lợn bị ốm, chết buộc phải tiêu hủy.
Tính đến nay, mặc dù thời gian có dịch đã kéo dài nhiều tháng và cũng đã có một số huyện và nhiều xã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng đã qua 30 ngày không xuất hiện thêm ổ dịch mới, theo quy định có thể công bố hết dịch. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 8/14 địa phương với 21 xã, phường có dịch đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh ổ dịch mới. Như vậy, có thể nói diễn biến của bệnh dịch tả lợn châu Phi còn hết sức phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng đến việc chăn nuôi và đời sống của nhiều hộ dân...
Sau khi dịch bệnh xảy ra, với hàng vạn con lợn bị ốm và chết trong các hộ chăn nuôi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch, tỉnh đã có chủ trương hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy, để giảm bớt khó khăn cũng như tạo hướng phát triển sản xuất, kinh doanh mới cho các hộ.
Hiện nay, ngoài việc tiếp tục tập trung phòng chống, dập dịch, các địa phương trong tỉnh cũng đang khẩn trương tiến hành chi trả tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Theo Sở NN&PTNT, tính đến ngày 11/9, các địa phương của tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt hỗ trợ thiệt hại theo từng đợt cho người dân và thực hiện niêm yết công khai theo quy định được 7.242 hộ, với số kinh phí hỗ trợ gần 120 tỷ đồng. Và đã thực hiện chi trả tiền hỗ trợ cho 3.070 hộ, đạt 19% số hộ có lợn nhiễm bệnh, với kinh phí hỗ trợ hơn 71 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong việc chi trả hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại, bên cạnh một số địa phương thực hiện khá tốt, có tỷ lệ hộ dân nhận được hỗ trợ đạt cao (từ hơn 50% đến gần 90%), thì cũng còn một số địa phương đạt tỷ lệ rất thấp (từ 0% đến 7,4%). Và xét trên phạm vi cả tỉnh, thì tỷ lệ chi trả hỗ trợ cũng mới chỉ đạt 19%. Đây là tỷ lệ quá thấp, trong khi người chăn nuôi đã phải chịu thiệt hại từ nhiều tháng nay. Điều này cũng đồng nghĩa còn hàng ngàn hộ khác chưa nhận được tiền hỗ trợ và đang mong mỏi, chờ đợi được nhận...
Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giúp họ nhanh chóng vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, sinh hoạt, có hướng đầu tư phát triển sản xuất mới, thay đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng khi ngành chức năng còn khuyến cáo chưa nên tái đàn lợn vào thời điểm này, thì các địa phương cần phải khẩn trương, quyết liệt hơn nữa trong việc chi trả hỗ trợ cho người dân...
Thiên tai, dịch bệnh là điều không ai muốn, nhưng một khi đã xảy ra thì các cấp chính quyền và ngành chức năng cần chủ động, tích cực sát cánh cùng người dân trong việc khắc phục hậu quả, tạo cơ hội, điều kiện cho họ khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Có như vậy mới tạo được niềm tin, khích lệ người dân hăng hái, tích cực trong phát triển sản xuất, chăn nuôi...
Thanh Tùng
Ý kiến ()