Khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững
Theo kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố mới đây, tỉnh Quảng Ninh xếp hạng thứ 6 với 47,82 điểm, đứng trong tốp 10 địa phương có điểm số cao nhất về chỉ số PII. Bên cạnh đó, tỷ lệ đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế duy trì trên 50% cho thấy, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bền vững của Quảng Ninh.
Với sự đầu tư bài bản cho khoa học công nghệ (KHCN), các sản phẩm của Công ty CP Sữa An Sinh (TP Đông Triều) ngày càng khẳng định chất lượng sản phẩm và thúc đẩy được thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Theo đại diện Công ty CP Sữa An Sinh, để nâng cao năng lực sản xuất, Công ty mạnh dạn đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại như chiết rót đóng chai, máy đun sữa, máy đóng gói bánh, máy in phun bao bì... Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như sữa tươi thanh trùng, sữa chua,… hiện Công ty nghiên cứu, chế biến thành công nhiều sản phẩm khác đáp ứng nhu cầu thị trường, như sữa chua uống các vị, sữa chua nếp cẩm, sữa chua trân châu đường đen, trà sữa, bánh sữa… Công ty cũng đẩy mạnh việc áp dụng các quy trình “5S” vào sản xuất để thiết lập quy chuẩn làm việc được khoa học, an toàn và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng. Hiện mỗi ngày, Công ty cung ứng đưa ra thị trường khoảng 1 tấn hàng hóa các loại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Tương tự, Công ty Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh cũng liên tục đổi mới dây chuyền, máy móc thiết bị để nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm. Các dây chuyền sản xuất được đầu tư khép kín với công nghệ cao, giúp đảm bảo các điều kiện sản xuất về an toàn sản phẩm. Nhờ ứng dụng KHCN, sản phẩm của Công ty được cấp sản phẩm OCOP 4 sao. Sản phẩm nước khoáng thiên nhiên công đoàn Quang Hanh đang được Văn phòng điều phối NTM tỉnh đánh giá là sản phẩm tiềm năng và được hỗ trợ, phối hợp làm hồ sơ gửi đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư thêm máy móc, ứng dụng KHCN hiện đại hơn vào khâu sản xuất, làm thị trường, nâng cao sản lượng tiêu thụ, để có thể hướng tới xuất khẩu.
Hiện nay, toàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, HTX áp dụng KHCN vào các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói và tiêu thụ. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giúp nâng tầm giá trị trên thị trường và quan trọng nhất là chiếm được lòng tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nhiều doanh nghiệp chủ động liên kết với các tổ chức KHCN, nhà khoa học, đầu tư công nghệ, thiết bị tiên tiến để tăng năng suất lao động, tạo ra các sản phẩm mới chất lượng cao, tiêu tốn ít năng lượng, thân thiện với môi trường, như: Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh; Công ty TNHH Long Hải; Công ty TNHH MTV Khoa học và Công nghệ cơ khí Trí Đạt; Công ty CP Green Aquatech; Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Thái Lan; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh; Công ty CP Phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam…
Tỉnh Quảng Ninh luôn xác định KHCN và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng hàng đầu để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030. Chỉ sau hơn một năm triển khai thực hiện, hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo của tỉnh có nhiều kết quả rất tích cực và thiết thực. Tính đến cuối năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã có 27 doanh nghiệp KHCN, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp KHCN trong toàn quốc. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Chỉ tính riêng trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai gần 60 dự án, đề tài, nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, cấp tỉnh. Các đề tài, nhiệm vụ tập trung vào những ngành, lĩnh vực đang được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên đẩy mạnh như: Kinh tế biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, quốc phòng an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số…
Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu đã đặt ra, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực, nâng cao tiềm lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trước mắt, hạ tầng mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ đã được tỉnh đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất. Tỉnh cũng tập trung đẩy nhanh xây dựng 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại TP Đông Triều với quy mô giai đoạn I trên 120ha và tại huyện Đầm Hà đang trình đề án với diện tích dự kiến 399,62ha. Tỉnh cũng đã công nhận 1 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ xây dựng 43 phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS.
Ý kiến ()