Ngày đêm “căng mình” để ổn định cuộc sống cho nhân dân
100% hệ thống lưới điện của tỉnh bị tê liệt, 110.000 khách hàng bị ngừng cấp nước, hàng chục nghìn thuê bao di động không có sóng… Cuộc sống của người dân Quảng Ninh càng khó hơn khi những nhu cầu thiết yếu nhất đều bị gián đoạn do bão số 3. Vượt lên hiểm nguy, hàng nghìn công nhân ngành Điện, Nước, Viễn thông đã nỗ lực khắc phục hậu quả bão trong suốt những ngày qua. Mục tiêu bằng mọi giá, mọi cách phải đưa cuộc sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.
Từng giờ nối lại dòng điện
Theo thống kê của ngành Điện, bão Yagi và ảnh hưởng của lũ quét đã làm hư hỏng nghiêm trọng hệ thống lưới điện của nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc. Trong đó, lưới điện 110kV tại 6 tỉnh (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh) nơi bão đi qua đã bị thiệt hại nặng nề. Đặc biệt, hệ thống điện 110kV của Quảng Ninh gần như tê liệt khi toàn bộ đường dây 110kV và trạm biến áp 110kV phải tách khỏi vận hành, trên 2.000 cột điện trung áp và hạ áp bị hư hỏng và gãy đổ.
Tại hội nghị trực tuyến đến các công ty điện lực địa phương trực thuộc để nghe kết quả khắc phục lưới điện sau bão, lũ chiều 10/9, ông Nguyễn Đức Thiện, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, cho biết: Lần đầu tiên trong lịch sử ngành Điện đối mặt với thiệt hại lớn như vậy. Có thời điểm, công suất điện bằng không, sản lượng điện bằng không và chúng tôi có tới trên 3 triệu khách hàng tại 15 tỉnh, thành bị mất điện. Điều đáng nói, từ đêm 9/9 đến chiều 10/9, do mưa lớn gây ngập lụt tại một số tỉnh: Yên Bái, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, đã tiếp tục gây mất điện cho gần 230.000 khách hàng. Trong số các địa phương bị thiệt hại, đơn vị xác định Quảng Ninh phải được ưu tiên cấp điện trở lại. Những ngày qua, lãnh đạo Tổng Công ty bám sát tình hình, liên tục chỉ đạo các Ban Tổng Công ty và đơn vị triển khai phương án khắc phục. Chúng tôi yêu cầu gần 15 Công ty Điện lực các tỉnh, thành và các đơn vị nhà thầu xuất quân chi viện cho Quảng Ninh với những CBCN kỹ thuật lành nghề nhất.
Gần 4 ngày qua, hơn 1.000 CBCNV ngành Điện đã căng sức trong thời tiết mưa gió để khắc phục lưới điện của tỉnh. Để khôi phục việc cấp điện cho khách hàng, Công ty Điện lực Quảng Ninh huy động 100% quân số cùng nhiều máy móc chuyên dụng để khắc phục các đường điện bị đứt, cột điện đổ. Có những CBCN 4 ngày nay chưa về nhà, bám trụ trên các tuyến đường dây, các xã đảo. Những đội xung kích và nhà thầu thực hiện nhiệm vụ tại Quảng Ninh đã tập trung kéo, dựng cột đường dây trung, hạ thế; xử lý sự cố trạm biến áp 110kV; xử lý khiếm khuyết đường dây 110kV; kiểm đếm thiệt hại, khoanh vùng sự cố, kiểm tra, rà soát, cô lập các sự cố.
Ngay khi từng đường dây 110kV, trạm biến áp 110kV… được khôi phục vận hành, Công ty tổ chức cấp điện dần cho các tải quan trọng, các khu vực trung, các trạm bơm, mỏ than, bệnh viện, nhà máy cấp nước, cơ sở sản xuất công nghiệp…
Với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Tổng Công ty và Công ty Điện lực Quảng Ninh, đến 14h ngày 11/9, nhiều địa phương trong tỉnh đã có điện trở lại. Cụ thể: Đã khôi phục 57% phụ tải sự cố toàn tỉnh; cơ bản khôi phục cung cấp điện cho các phụ tải quan trọng toàn tỉnh (bệnh viện, thông tin liên lạc, cấp nước sạch…); khôi phục 80-90% phụ tải là các mỏ than và có trên 175.000/430.000 khách hàng được cấp điện trở lại. Đối với các phụ tải khu vực TP Hạ Long, do có nhiều vị trí gãy đổ cột, Công ty Điện lực Quảng Ninh phấn đấu trong vài ngày tới khắc phục xong, khôi phục vận hành cấp điện cho khách hàng.
Sớm cấp nước sạch trở lại cho người dân
Xí nghiệp nước Uông Bí (Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh) đang cung cấp nước cho trên 32.800 khách hàng trên địa bàn TP Uông Bí, khoảng 21.000m3/ngày đêm. Bão số 3 đã làm ảnh hưởng toàn bộ hệ thống của nhà máy cấp nước thành phố: Gãy dập 70m trục chính đường ống dẫn nước chính; hệ thống điện lưới trên địa bàn bị mất hoàn toàn dẫn đến việc nước cấp từ nhà máy nước, trạm bơm tăng áp các khu dân cư bị dừng hoạt động.
Ngay khi bão tan, Xí nghiệp nước Uông Bí tập trung toàn bộ nhân lực để huy động dọn dẹp cũng như khắc phục sự cố tại nhà máy. Ông Nguyễn Thanh Minh, Giám đốc Xí nghiệp, cho biết: Để đảm bảo cấp nước kịp thời cho các hộ dân trên địa bàn, đơn vị đã dùng máy phát để cấp nước cho các hộ dân thời điểm chưa có điện lưới. Khi điện lưới dần được cấp trở lại, đơn vị kịp thời khắc phục sự cố, đến nay đã cấp nước cho 90% hộ gia đình của thành phố, cấp vượt công suất 30% so với ngày thường.
Anh Nguyễn Xuân Hiếu (phường Phương Đông, TP Uông Bí) cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão, gia đình tôi cùng nhiều hộ khác bị ngừng cấp nước, chủ yếu sử dụng nước mưa và nước dự trữ có sẵn để sinh hoạt. Những ngày qua, ngành Nước đã vào cuộc tích cực để khắc phục sớm tình trạng này. Vì thế, gia đình tôi đã được cấp nước, cuộc sống ổn định trở lại.
Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố vẫn còn một số điểm khu dân cư ở cao, xa chưa có điện lưới dẫn đến chưa thể cấp được nước, như các khu: Đồng Minh (phường Phương Đông), Bãi Dài (phường Thanh Sơn) và một số vị trí ở phường Vàng Danh. Hiện Xí nghiệp nước Uông Bí đã cử lực lượng trực tiếp kiểm tra, rà soát việc cấp nước để có biện pháp điều phối cũng như bổ sung máy phát điện dự phòng cấp vào các vị trí có bơm tăng áp, đáp ứng nhu cầu cho người dân trên địa bàn.
Hệ thống cấp nước sạch của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh bị thiệt hại chưa từng thấy khi có tới 8/10 xí nghiệp cấp nước bị ảnh hưởng. Trong đó nặng nhất là khu vực Cẩm Phả, Hòn Gai, Bãi Cháy, Uông Bí, tiếp đó là Quảng Yên, Đông Triều, Vân Đồn, dẫn đến trên 110.000 khách hàng bị ngừng cung cấp nước. Nguyên nhân là do hệ thống điện lưới cấp điện cho các nhà máy nước, trạm bơm tăng áp trong các khu dân cư bị ảnh hưởng nặng nề; nhiều tuyến ống truyền tải, phân phối bị gãy, bục vỡ do nước lũ; cây đổ làm ảnh hưởng đến công tác cấp nước và làm ảnh hưởng đến thời gian khắc phục các sự cố; nhiều khu xử lý nước bị chìm trạm bơm nước thô; nhiều nhà trực trong hồ bị bão thổi bay, phải tạm dừng vận hành trong suốt 3 ngày (7-9/9). Đặc biệt, có những khu vực do mưa lớn gây ngập lụt đã khiến cho độ đục trong nước lên tới trên 1.000NTU (giới hạn cho phép là dưới 100NTU), Công ty phải tiến hành các giải pháp để xử lý chất lượng nước, làm gián đoạn đến việc cấp nước…
Trước yêu cầu cấp bách phải nhanh chóng cấp nước trở lại cho các khách hàng, Công ty yêu cầu 100% CBCNV có mặt tại hiện trường để đánh giá thiệt hại, hiện trạng và đưa ra những phương án xử lý cấp bách. Điển hình: Nhà máy nước Diễn Vọng phối hợp chặt chẽ với ngành Điện để khắc phục sự cố tuyến đường dây 35kV; huy động tổng lực gần 20 máy phát điện để cấp nước tạm thời. Công ty tiến hành gia cố các trụ đỡ, các thành cầu có độ an toàn cao để tạm thời vận hành, đấu nối trở lại cho khách hàng. Đối với những khách hàng quan trọng như bệnh viện, trường học, cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi…, Công ty dùng xe téc nước để cung cấp nước kịp thời, không để gián đoạn đến việc khám chữa bệnh và khắc phục thiệt hại sau cơn bão.
Với những nỗ lực không ngừng, đến hết ngày 11/9, Công ty đã cấp nước trở lại cho 85% khách hàng. Trong đó, trên địa bàn TX Đông Triều cơ bản được cấp nước, TP Uông Bí là 95%, TP Hạ Long là trên 70% khách hàng… những khu vực còn lại cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân. 15% khách hàng còn lại chưa có nước đa số là các hộ khách hàng nằm ở khu vực cao xa, cuối tuyến hoặc nằm trong khu vực chưa có điện, bị sạt lở, chia cắt.
Ông Trịnh Văn Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, khẳng định: Công ty đang nỗ lực từng giờ, từng phút khôi phục, nâng áp lực cấp nước cho các khu vực xa, cuối nguồn. Dự kiến trong ngày 12/9, cơ bản cấp nước sạch ổn định đến các khách hàng.
"Chạy đua" thời gian để thông tin liên lạc thông suốt
Cùng với hạ tầng điện, nước, hạ tầng viễn thông trên toàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề sau bão số 3 khiến nhiều khu vực bị mất sóng điện thoại, internet, gây tê liệt thông tin. Theo thống kê của các nhà mạng, hơn 1.000 trạm phát sóng Viettel trên toàn tỉnh đã bị ảnh hưởng. Toàn bộ hệ thống tuyến truyền dẫn cả cáp ngầm và cáp treo đều bị đứt, làm mất liên lạc. VNPT Quảng Ninh mất khoảng 18 cột ăng-ten, hơn 3.400 tuyến cáp và nhiều trạm BTS bị hư hỏng...
Để đảm bảo thông tin liên lạc, ngay sau khi bão số 3 đi qua, các nhà mạng đã quyết liệt vào cuộc triển khai các phương án ứng cứu, huy động tối đa nhân vật lực để khôi phục lại mạng lưới viễn thông trong thời gian sớm nhất.
Ông Đào Như Quỳnh, Giám đốc Viettel Quảng Ninh, cho biết: Để nhanh chóng khắc phục sự cố, Viettel Quảng Ninh đã huy động gần 500 cán bộ, nhân viên, lao động ở trên tuyến tại địa phương cùng với khoảng 500 nhân sự từ các tỉnh khác, đoàn công tác trong cả nước về hỗ trợ. Đơn vị đã đưa 10 đội truyền dẫn để sửa chữa khắc phục đường dẫn đến từng trạm BTS; huy động lực lượng đến ứng trực tại các trạm để xử lý sự cố. Ngày 11/9, đã khắc phục khoảng 75% số trạm BTS bị hư hỏng, tập trung nhiều ở các địa phương Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà. Các khu vực như: Cẩm Phả, Vân Đồn, Hạ Long, Quảng Yên chịu tác động nặng nề hơn, cần thời gian khắc phục hơn. Hiện Viettel đang chạy đua với thời gian để xử lý sự cố, dự kiến trong 2 ngày tới khắc phục 90% hệ thống mạng trên toàn tỉnh.
Bất chấp thời tiết mưa gió sau bão, hơn 1.000 kỹ thuật viên của VNPT Quảng Ninh vẫn làm việc ngày đêm để sửa chữa, khắc phục những điểm cáp bị đứt, phục hồi mạng lưới viễn thông. Đồng thời, tăng cường máy phát điện dự phòng, với hơn 30 máy lớn trên 30kVA và 70 máy nhỏ từ 6,5-8kVA. Tính đến ngày 11/9, VNPT Quảng Ninh đã khôi phục được 90% trạm BTS trên toàn tỉnh, khôi phục 50% vùng phủ sóng tại các khu dân cư..
Ông Lý Hoài Hiệp, Giám đốc Trung tâm viễn thông 1, VNPT Quảng Ninh, cho biết: Tại TP Hạ Long, trong 4 ngày qua từ khi bão tan, chúng tôi tập trung lực lượng không kể ngày đêm, bắt đầu từ sáng sớm đến đêm khuya. Hiện thông tin di động giữ trên mức 90%, hệ thống internet băng rộng cố định đang khôi phục gần 50%, cố gắng trong thời gian sớm nhất sẽ khắc phục xong hoàn toàn. Dự kiến là trong khoảng 10-15 ngày nữa hoàn thành việc khắc phục hậu quả thiên tai do cơn bão số 3 gây ra.
Cũng giống Viettel và VNPT, MobiFone Quảng Ninh cũng bố trí 100% nhân lực tập trung khắc phục mạng lưới viễn thông. Nhiều đoàn cán bộ kỹ thuật MobiFone Quảng Ninh cũng kịp thời ứng cứu thông tin, nhằm khôi phục dịch vụ một cách nhanh nhất. Hiện, MobiFone Quảng Ninh đã hoàn thành ứng cứu ở các vị trí trọng yếu trên địa bàn toàn tỉnh; trong thời gian sớm nhất hoàn thành khôi phục 900 trạm BTS của MobiFone trên địa bàn toàn tỉnh.
Trước mắt, để hỗ trợ người dân trong thời điểm chưa khắc phục được hoàn toàn hệ thống viễn thông, các nhà mạng đã cho phép người dân chuyển vùng di động giữa các mạng miễn phí để đảm bảo liên lạc không bị gián đoạn. Một số đơn vị viễn thông cũng thiết lập các trạm sạc miễn phí, mở cửa 24/24h, cung cấp hệ thống wifi, hỗ trợ người dân trong việc liên lạc.
Việc các đơn vị điện lực, xí nghiệp nước và nhà mạng huy động toàn bộ lực lượng để sửa chữa khắc phục các trạm biến áp, trạm phát sóng; sửa chữa cột điện, đường truyền, đường nước sẽ giúp hệ thống điện, nước, viễn thông sớm hoạt động trở lại bình thường sau bão; giúp người dân đảm bảo sinh hoạt, thông tin liên lạc, ổn định cuộc sống.
Ý kiến ()