
Khai thác trí tuệ trong hợp tác khoa học
Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, việc khai thác nguồn lực trí tuệ thông qua hợp tác khoa học công nghệ (KHCN) đang trở thành một chiến lược phát triển then chốt ở nhiều địa phương. Tại Quảng Ninh, tinh thần hợp tác cởi mở, chủ động với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã góp phần đưa khoa học thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững.
Giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh đã triển khai hàng loạt nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, trong đó có trên 90% kết quả được ứng dụng vào thực tiễn - một tỷ lệ rất cao so với trung bình cả nước. Phần lớn nhiệm vụ này được thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa địa phương với các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp.
Một trong những ví dụ tiêu biểu là dự án “Nghiên cứu sử dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn lên men dạng lỏng cho lợn nuôi thương phẩm theo hướng hữu cơ” do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện tại Công ty CP Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả). Sự gắn kết giữa tri thức khoa học và nhu cầu doanh nghiệp đã góp phần giải quyết nhu cầu phát triển của doanh nghiệp cũng như sử dụng cho mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi tại tỉnh.
Hợp tác trí tuệ cũng được cụ thể hóa qua việc xây dựng và triển khai các chương trình đặt hàng nghiên cứu với các cơ sở khoa học uy tín như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Các nhiệm vụ tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm như phát triển nông nghiệp công nghệ cao; bảo tồn đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo, kiến trúc cảnh quan, văn hóa vật thể và phi vật thể khu di tích Yên Tử - Đông Triều; xử lý môi trường Vịnh Hạ Long; ứng dụng công nghệ số trong quản trị đô thị thông minh…

Thành công trong khai thác trí tuệ thông qua hợp tác khoa học đã góp phần làm rõ thêm giá trị của mô hình “liên kết bốn nhà” - nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông/cộng đồng - trong chiến lược phát triển của Quảng Ninh, đưa tri thức vào phục vụ trực tiếp các mục tiêu KT-XH của địa phương.
Không chỉ dừng lại ở quy mô trong nước, hợp tác khoa học tại Quảng Ninh còn vươn tới tầm khu vực và quốc tế. Một ví dụ điển hình là khóa đào tạo “Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong khu vực công nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa” do Sở KH&CN phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức vào tháng 3/2024. Khóa học này không chỉ trang bị kiến thức mới cho cán bộ công quyền, mà còn đặt nền móng cho các mô hình hợp tác giải quyết thách thức môi trường một cách sáng tạo, linh hoạt. Quảng Ninh cũng đang hợp tác với Tập đoàn BP - Vương quốc Anh trong công tác nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp phát triển điện gió trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng thường xuyên tổ chức làm việc với các đoàn chuyên gia của Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc về chuyển giao công nghệ sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, dược liệu; tích cực trao đổi, học tập kinh nghiệm, tiếp nhận, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong và ngoài nước. Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu, mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ KHCN có trình độ cao.
Tuy nhiên, để hợp tác khoa học thực sự trở thành động lực phát triển bền vững, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp nhận, khai thác và làm chủ tri thức. Đồng thời, cần phát triển mạnh mẽ hạ tầng nghiên cứu, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhiệm vụ KHCN và tạo môi trường thuận lợi để thu hút nhân lực chất lượng cao tham gia đóng góp lâu dài cho quê hương.
Ý kiến ()