Khai thác các giá trị văn hoá truyền thống - đừng "ăn xổi"...
Bản sắc văn hoá là một khái niệm có nội hàm rất phong phú, mà theo GS-TS Ngô Đức Thịnh (Viện Nghiên cứu văn hoá), nó là “tổng thể các giá trị đặc trưng của văn hoá dân tộc, được hình thành, tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của đất nước, với các giá trị đặc trưng mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn...” . Từ đó, cũng theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, muốn nhận biết nó phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hoá, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hoá ấy.
Nếu bản sắc văn hoá là cái gì “trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững” thì các sắc thái biểu hiện của nó thường “tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn”. Trong đó, cốt lõi của bản sắc văn hoá chính là văn hoá dân gian, hay như người ta thường nói, văn hoá dân gian là “văn hoá gốc”, “văn hoá mẹ”; muốn bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc thì trong các hoạt động thực tiễn, phải bắt đầu từ văn hoá dân gian...
Nói điều này để thấy rằng, việc khai thác các giá trị tiềm ẩn của văn hoá dân gian có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chấn hưng bản sắc văn hoá truyền thống. Nhưng khai thác và phát huy các giá trị ấy như thế nào lại là vấn đề rất đáng bàn! Có một thực tế là lâu nay khi nói về việc phát huy giá trị của văn hoá truyền thống, nhiều người vẫn thiên về các giá trị “sinh lợi”; mà dễ thấy nhất, đó là khai thác các nét bản sắc văn hoá truyền thống (như phong tục, tập quán, lễ hội, các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian v.v..) nhằm để thu hút du khách, phục vụ phát triển du lịch… Điều này là hoàn toàn phù hợp và cần thiết trong thời đại “toàn cầu hoá” hiện nay! Tuy nhiên, nếu coi văn hoá truyền thống như một sản phẩm hàng hoá, từ đó chỉ tập trung khai thác những “nét lạ” của nó nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ, tò mò của du khách thì lại rất không nên. Ở một số địa phương hiện nay, việc phục dựng các lễ hội, các làng nghề truyền thống v.v.. đang theo xu hướng như vậy! Người ta chỉ cố gắng tạo “sự lạ” cho du khách mà ít chú ý tới việc thông qua đó làm nổi bật cái hay, cái đẹp, cái tinh tuý về bản sắc văn hoá thể hiện trong những hoạt động mang tính truyền thống lâu đời này. Hay nói cách khác, làm sao để thông qua việc phục dựng những hoạt động văn hoá mang tính truyền thống để mọi người cảm nhận thấy đây là “hồn cốt”, là tình yêu, lòng tự hào, niềm hãnh diện của người dân bản địa, những chủ nhân của nét văn hoá ấy, đó mới là mục đích quan trọng nhất. Về một góc độ nào đó, có như thế việc bảo tồn, phát huy những giá trị của văn hoá truyền thống mới mang tính bền vững, mới không phải là “ăn xổi”... Đáng tiếc là không phải ở đâu và lúc nào, việc đưa văn hoá truyền thống vào phục vụ du lịch cũng đạt được điều đó. Có những lễ hội, phong tục, tập quán v.v.. được phục dựng mà đến người dân địa phương cũng thấy “lạ lẫm”, không hiểu hết ý nghĩa, nguồn gốc, tính chất v.v.. của nó. Với cách “bảo tồn và phát huy” kiểu như vậy, may ra chỉ đáp ứng được sự hiếu kỳ ban đầu cho du khách mà thôi.
Văn hoá truyền thống là vốn quý của một dân tộc, một cộng đồng. Vậy nên việc khai thác các giá trị của nó cần phải được thực hiện sao cho phù hợp với tính chất, mục đích lâu dài, đừng vì cái lợi trước mắt mà “cố ép” nó một cách gượng gạo, mang tính phô trương hình thức...
Trung Luận
Ý kiến ()