Khách hàng chưa được quyền lựa chọn
So với các lần tăng giá trước, đợt tăng giá xăng lần này hoàn toàn khác, nó do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tự quyết định mức giá mà không có sự can thiệp sâu của Nhà nước. Như vậy đơn vị kinh doanh xăng dầu sẽ căn cứ vào diễn biến giá xăng dầu thế giới, năng lực, điều kiện của mình để quyết định mức giá cho phù hợp. Và người tiêu dùng hy vọng, chờ đợi ở lần điều chỉnh này sẽ có giá cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Thế nhưng thực tế lại không như vậy, mà tất cả các cây xăng thuộc các doanh nghiệp khác nhau đều đồng loạt tăng cùng một mức là 800 đồng/lít. Dư luận hiện nay cho rằng với cách tăng giá xăng lần này cũng chẳng khác gì những lần trước (khi chưa có Nghị định 55/CP). Và như vậy người tiêu dùng vẫn chưa được quyền lựa chọn nhà cung cấp với chất lượng và mức giá phù hợp cho mình mà lẽ ra trong cơ chế thị trường phải có. Với cách làm này dư luận có quyền đặt câu hỏi có hay không sự liên minh giữa các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để cùng tăng lên một mức giá; và đến bao giờ tính độc quyền trong kinh doanh xăng dầu mới được loại bỏ?
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Trong khi chưa có các nguồn nhiên liệu khác thay thế thì nhất nhất người tiêu dùng vẫn phải sử dụng nguồn xăng dầu do các doanh nghiệp nhập khẩu. Và việc điều chỉnh giá bán cũng là bình thường để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có điều không bình thường là các doanh nghiệp hoàn toàn khác nhau, năng lực khác nhau, thị phần khác nhau và cả nguồn nhập cũng khác nhau nhưng lại cùng tăng một mức giá giống nhau (?).
Nghị định 55/CP cho phép các doanh nghiệp tự chủ kinh doanh theo cơ chế thị trường. Vậy thì các doanh nghiệp phải hoạt động theo đúng quy luật của kinh tế thị trường và phải có sự cạnh tranh lành mạnh. Người tiêu dùng chỉ mong có vậy.
Ý kiến ()