Kết quả thi thực, lộ sáng vấn đề
Có thể TP Hồ Chí Minh là địa phương có nhiều trường đỗ tốt nghiệp 100% cao nhất nước, nhưng trong số "10 trường 100%" ấy, không có tên trường PTTH Lê Quý Đôn - một trường lớn vào hàng nhất nhì thành phố, nhưng cũng là trường sớm bộc lộ những tiêu cực nổi cộm nhất trong niên học này.
Chính cách "dùng tiền mua chỗ học" ở trường Lê Quý Đôn đã khiến trường này có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thua cả những trường ở quận huyện không "nổi tiếng". Quảng Ngãi lại phải "nổi tiếng" vì một kết quả đáng buồn: có một trường PTTH ở huyện miền núi Sơn Tây đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp... 0% (trường PTTH Đinh Tiên Hoàng). Mà không chỉ Quảng Ngãi mới có "kỷ lục" này.
Nhìn chung, rất nhiều địa phương có những "vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số" đã đạt kết quả tốt nghiệp thấp chưa từng thấy. Trong khi, ai cũng công nhận, đề thi năm nay ra dễ hơn mọi năm, dù có 3 môn thi trắc nghiệm, nhưng những câu hỏi trắc nghiệm đều dễ, chỉ cần học sinh có mức học trung bình, thậm chí trung bình yếu, là có thể làm được vừa mức đỗ. Nhưng sự thật đã khác hẳn. Ở những khu vực được coi là "nhạy cảm" như khối bổ túc, khối giáo dục thường xuyên, trường PTTH "nhô", các trường PTTH ở các huyện miền núi... tỷ lệ đỗ thấp đến kinh ngạc, đến đau lòng. Nó đã phản ánh đúng thực trạng dạy và học ở cấp học phổ thông hiện tại.
Từ những kết quả rõ ràng và không thể tránh né này, chúng ta có điều kiện để rút ra những kết luận, tìm kiếm những giải pháp. Tôi không quá ngạc nhiên khi có trường PTTH ở một huyện miền núi tỉnh tôi thi 51 em thì... rớt cả 51 em. Đó là các em học sinh người dân tộc Ca Dong. Các em đã phải vượt biết bao khó khăn, thiếu cái ăn chỗ ở, để có thể đến với học đường, trong khi trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp, và điều này nói ra thật buồn lòng, thầy cũng chưa xứng thầy.
Hỏi làm sao, trong hoàn cảnh ấy, các em có thể "học tốt"? Còn ở những cơ sở học bổ túc, hay "giáo dục thường xuyên" thì thường xuyên học sinh không chịu học, và cũng thường xuyên thầy dạy cho lấy có. Hỏi làm sao đạt kết quả tốt? Những năm trước, ở những khu vực "nhạy cảm" này vẫn "thường xuyên" xảy ra những nhếch nhác thậm chí khó tưởng tượng trong các kỳ thi tốt nghiệp PTTH, thậm chí có những học trò đã được bên ngoài đưa lời giải vào cho vẫn không biết chép lại thế nào cho đúng.
Giai thoại "số 8 nằm" (chỉ ký hiệu "vô cực") cứ như chuyện bịa nhưng lại hoàn toàn có thật. Kết quả thi năm nay vì thế có thể được tin cậy, dù nó thực sự gây sốc, thực sự khiến chúng ta đau lòng. Rõ ràng là trong bao nhiêu năm qua, ngành giáo dục chúng ta tự lừa mình. Cuối cùng, thì ai sẽ nhận những "quả đắng" ấy, nếu không phải là các thế hệ học trò, gia đình các em, và cuối cùng, là cả xã hội.
Khi chúng ta chỉ xét mọi chuyện dựa trên bằng cấp, mà không dựa vào thực học, thì nạn bằng cấp giả, bằng cấp không thực chất, và cả "bằng cấp đểu" tràn lan trong xã hội là chuyện không thể tránh khỏi. Từ kết quả kỳ thi PTTH này, điều cần phải cải cách đầu tiên trong giáo dục phải là "dạy thật và học thật".
Bằng cấp chỉ là kết quả kiểm chứng cho sự dạy và học thật ấy. Cũng từ đây, nên mở ra nhiều hướng vào đời khả thi và khả dụng cho học sinh, chứ không chỉ chăm chăm một mảnh bằng, dù là bằng tốt nghiệp PTTH hay "cửa" vào đại học. Tôi nghĩ, nếu các em chỉ học xong lớp 9 mà học hành tử tế, sau đó chuyển sang học nghề, thì các trung tâm dạy nghề nên vui vẻ tiếp nhận và đào tạo nghề cho các em thật tử tế. Còn hơn để các em học tới lớp 12 mà không biết gì cả, rồi thi tốt nghiệp PTTH với kết quả ê chề. Nếu chất lượng giáo dục cao chỉ tập trung ở vài ba thành phố lớn, còn "thả nổi" hoàn toàn ở những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, thì sẽ là một thảm họa!
Ý kiến ()