Ba Chẽ: Tích cực chăm lo sức khỏe cho trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi
Với địa bàn là vùng miền núi, nhiều khu vực thôn, bản còn khó khăn, tỷ lệ con em đồng bào DTTS chiếm đa số, Ba Chẽ đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm chăm lo sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. Mục tiêu là đến năm 2025 giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ cân xuống còn dưới 6,8% và trẻ suy dinh dưỡng thể chiều cao xuống còn dưới 10%.
Để thực hiện Dự án 7 về Đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025”, từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ba Chẽ thành lập được 5 mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ”. Các mô hình này được xây dựng tại các địa bàn có tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng ở mức cao so với mặt bằng chung của huyện như xã Thanh Lâm, Đạp Thanh, Thanh Sơn, Đồn Đạc, Nam Sơn.
Các hoạt động của mô hình được tổ chức hằng tháng, tập trung vào các nội dung: Truyền thông kiến thức và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc và phát triển trẻ thơ tại các buổi sinh hoạt nhóm thông qua hướng dẫn thực hành của tình nguyện viên và cha mẹ thực hành tốt; thăm hộ gia đình để hỗ trợ cha mẹ thực hành và khai thác các điển hình tích cực, hỗ trợ thực hành của cha mẹ/người chăm sóc trẻ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ tại nhà... Ngoài việc tạo cơ hội để người nuôi dưỡng và cha mẹ có thêm kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho trẻ, mô hình còn giúp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của các bà mẹ, gia đình, người dân và cộng đồng về chăm sóc sức khỏe, cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em.
Bà Lan Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Cùng với việc thành lập các mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ”, Hội LHPN huyện cũng đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng, thực hành bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường thể lực cho bà mẹ, trẻ em và kiến thức chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại cộng đồng cho cán bộ, hội viên phụ nữ và các thành viên tham gia mô hình. Đồng thời, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em; phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em, nâng cao thể trạng cho trẻ em dưới 5 tuổi vùng cao, vùng đồng bào DTTS miền núi góp phần hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình mẹ đỡ đầu, trong năm 2024 này, Hội LHPN huyện đã nhận đỡ đầu và kết nối đỡ đầu cho 5 trẻ mồ côi, khuyết tật và hỗ trợ 17 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí 123 triệu đồng. Thông qua hoạt động này đã giúp nhiều trẻ em thiếu may mắn có cuộc sống tốt đẹp hơn, được phát triển toàn diện.
Ngoài sự vào cuộc của Hội LHPN huyện, các ngành chức năng trên địa bàn huyện Ba Chẽ cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động nhằm chung tay cải thiện dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, thể lực cho trẻ em. Theo đó, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã phối hợp tổ chức 1 hội nghị tập huấn kiến thức xây dựng gia đình, trẻ em no ấm, tiến bộ, hạnh phúc cho gần 70 học viên là trưởng thôn, khu phố, chi hội trưởng chi hội phụ nữ tại các thôn, khu phố trên địa bàn huyện. Đồng thời tổ chức tập huấn về Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn huyện năm 2024 cho chi hội trưởng chi hội phụ nữ, cộng tác viên dân số các xã, thị trấn.
Trung tâm Y tế huyện phối hợp với CDC Quảng Ninh thực hiện điều tra, đánh giá dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi tại địa bàn xã Thanh Sơn. Qua điều tra, đã kiểm tra thực tế số cân nặng, chiều cao của trẻ, chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ; tiến hành phỏng vấn kiến thức về dinh dưỡng, lịch uống vitamin A và tiêm ngừa vắc xin cho trẻ… Từ đó có những đánh giá kịp thời nhằm thúc đẩy và hỗ trợ hoạt động dinh dưỡng tại cộng đồng góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, tăng cường sức khỏe cho cộng đồng, nhất là trẻ nhỏ. Đồng thời, tổ chức khám sức khỏe lưu động cho nhân dân vùng khó khăn, tập trung vào đối tượng là phụ nữ, trẻ em tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Với mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng nhẹ cân xuống còn dưới 6,8% và trẻ suy dinh dưỡng thể chiều cao xuống còn dưới 10%, thời gian tới, huyện Ba Chẽ sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, bà mẹ và người nuôi dưỡng về công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em. Trong đó, tập trung đa dạng các loại hình truyền thông bằng nhiều cách như: Trực tiếp, qua mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng, băng rôn, khẩu hiệu… nhằm nâng cao hiệu quả tiếp cận.
Ý kiến ()