Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm logistics trọng điểm của cả nước
Trong những năm qua, tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu khu vực phía Bắc về phát triển công nghiệp và dịch vụ.
Từ đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh cũng phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp. Các dịch vụ cung cấp khá đa dạng và hiện đại như: Dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách; cho thuê kho, bãi; xếp dỡ hàng hóa; đóng gói bao bì và phân phối sản phẩm; khai thác cảng biển, cảng cạn (ICD); dịch vụ khai báo hải quan, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh. Chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, kho bãi, có tổng doanh thu đạt trên 37.500 tỷ đồng. Dịch vụ vận tải kho bãi tăng 15,55%, cao hơn 12,9 điểm % so với tốc độ tăng năm 2021, chiếm tỷ trọng 6,2% trong GRDP, đóng góp 1,08 điểm % trong tốc độ tăng GRDP.
Cùng với đó, tỉnh cũng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ văn minh, hiện đại. Hiện tỉnh đã và đang hình thành các khu vực kho, bãi, dịch vụ hậu cần cảng, cửa khẩu có cơ sở hạ tầng gần tương đương với tiêu chí của trung tâm logistics, như Cảng Cái Lân - VOSA; Cảng cạn ICD Thành Đạt gắn với địa điểm xuất hàng Km3+4 Thành Đạt; Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn, huyện Bình Liêu; định hướng phát triển khu vực Hải Hà với khu vực Móng Cái trở thành khu vực phát triển năng động, nhất là trong lĩnh vực logistics... các công trình như: Cảng cao cấp Ao Tiên (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), nhà máy điện khí LNG (phường Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả) có hợp phần cảng biển; khu vực cảng biển Hải Hà; khu vực cảng Vạn Gia - Vạn Ninh (TP Móng Cái)...
Tới nay, Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ đầu tư đối với 39 dự án trên địa bàn liên quan đến hạ tầng logistics và ngày 28/10/2022, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3151/QĐ-UBND về danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, với tổng số 86 dự án, trong đó có 6 dự án liên quan đến cảng biển, dịch vụ logistics, hạ tầng logistics, chiếm 6,97% tổng số dự án.
Tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" đã nêu rõ: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Trong đó, xác định Quảng Ninh trở thành điểm giao thông trung chuyển, trung tâm logistics của vùng và quốc gia kết nối với thị trường Trung Quốc, các nước Bắc Á; là cảng quốc tế kết nối giao thương quốc tế của miền Bắc nước ta, miền Nam và Tây Nam Trung Quốc với thị trường quốc tế. Đến năm 2030, Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN.
Từ nay đến năm 2030, tỉnh phấn đấu đạt các mục tiêu cụ thể: Hình thành thêm tối thiểu 3 trung tâm logistics tại tỉnh; tỷ lệ lao động trong lĩnh vực logistics đã qua đào tạo nghề cao hơn bình quân chung của tỉnh; thặng dư cán cân thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu; khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và thủy nội địa (tại các cảng do địa phương quản lý) đạt trên 164 triệu tấn; khối lượng hàng hóa luân chuyển bằng đường bộ và thủy nội địa (tại các cảng do địa phương quản lý) đạt trên 12,5 tỷ tấn.
Quảng Ninh đã và đang kết nối thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không giữa các vùng trong tỉnh, với tất cả các địa phương khác và với quốc tế. Đồng thời, những thay đổi về địa chính trị kết hợp với những xu thế mới trong môi trường kinh tế toàn cầu đang thúc đẩy chuyển dịch chuỗi cung ứng từ các nước châu Á khác, nhất là từ Trung Quốc đến Việt Nam; và Quảng Ninh chắc chắn là một điểm được ưu tiên lựa chọn. Như vậy, một trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ dần hình thành ở Quảng Ninh; làm cho Quảng Ninh trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu; một trung tâm du dịch chất lượng cao. Nhờ đó, Quảng Ninh sẽ thành điểm trung chuyển kết nối trung chuyển giao thông, trung tâm logistics của toàn vùng; là điểm đến và dừng chân của du khách quốc tế chất lượng cao.
Ý kiến ()