
Hướng tới mục tiêu Chính quyền số
Là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, đến nay, 100% các thủ tục hành chính của tỉnh Quảng Ninh đã được tiếp nhận, giải quyết trên môi trường mạng.
Tại Hội nghị Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2018, mô hình Chính quyền điện tử của tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao và chọn làm mô hình điểm, làm nền tảng để đánh giá xây dựng mô hình chính quyền điện tử quốc gia. Đặc biệt, tháng 11/2018 vừa qua, Quảng Ninh là tỉnh duy nhất của cả nước đã vinh dự được nhận giải thưởng ASOCIO 2018 dành cho “Chính phủ số xuất sắc” do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương trao tặng.
Đây chính là sự ghi nhận của cộng đồng đối với những nỗ lực của Quảng Ninh trong việc triển khai thực hiện mô hình Chính quyền điện tử. Xác định việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử là phù hợp với xu thế của thế giới, định hướng chỉ đạo của Chính phủ, quy hoạch, kiến trúc chung Chính phủ điện tử tại Việt Nam, phù hợp với nhu cầu, yêu cầu của tỉnh, nguyện vọng lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp, ngay từ năm 2012, Quảng Ninh đã phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh tại Quyết định số 2459/QĐ-UBND, gồm 10 dự án và các chương trình, kế hoạch về đào tạo, tập huấn cho công dân và doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 20 triệu USD. Có thể khẳng định, việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, cải cách hành chính sẽ tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư nhằm đưa Quảng Ninh trở thành nơi đáng sống, điểm đến của du khách và nhà đầu tư.
Những năm gần đây, Quảng Ninh đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Giai đoạn 2012-2017, tổng kinh phí bố trí và giải ngân đối với hoạt động quản lý, dạy học là hơn 30,5 triệu USD. Hiện nay, 100% các đơn vị giáo dục cũng như y tế của tỉnh có máy tính, mạng LAN, mạng Internet tốc độ cao và sử dụng chữ ký số cũng như thực hiện trao đổi văn bản điện tử, kê khai thuế điện tử và bảo hiểm xã hội điện tử. Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục thực hiện Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020.
Việc triển khai Đề án Chính quyền điện tử đã làm thay đổi cơ bản nhận thức trong cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; tạo ra môi trường làm việc liên thông, hiện đại và chuyên nghiệp, tiết kiệm được thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, góp phần hình thành nền hành chính chuyên nghiệp; chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, công nghệ thông tin đã thực sự trở thành hạ tầng quan trọng và gắn kết chặt chẽ mọi mặt kinh tế - xã hội, góp phần cải cách hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả các ngành, các lĩnh vực, nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp tích cực trong việc cung cấp thông tin phục vụ người dân, giảm thiểu khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Nguyên Lâm
Ý kiến ()