
Hướng mở từ phát triển công nghiệp văn hoá
Xây dựng Đề án thí điểm khu, tổ hợp công nghiệp văn hoá (CNVH), sáng tạo tại TP Hạ Long được Quảng Ninh xem là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển CNVH của tỉnh hiện nay. Hội đủ tiềm năng, thế mạnh về thiên nhiên - văn hoá - con người để phát triển CNVH và đặc biệt là quyết tâm hiện thực hoá của tỉnh, của doanh nghiệp, Quảng Ninh xác định đây là mục tiêu của tỉnh trong việc tìm nguồn lực mới bổ sung cho các tài nguyên đã tới hạn như than, điện, đất, du lịch dựa trên tài nguyên thiên nhiên…
Quy hoạch mở, có điểm nhấn
Việc xây dựng khu, tổ hợp CNVH, sáng tạo tại TP Hạ Long mang tính tiên phong nên chắc chắn có nhiều rào cản, khó khăn cần phải vượt qua. Việc tỉnh tổ chức các cuộc khảo sát, học hỏi kinh nghiệm tại một số địa phương, quốc gia phát triển về CNVH như Hàn Quốc, Trung Quốc là cơ sở để lãnh đạo thành phố triển khai sau này. Tại cuộc toạ đàm lấy ý kiến các chuyên gia, đơn vị, doanh nghiệp của trung ương, của tỉnh dịp đầu năm vừa qua đã cho thấy, vấn đề quy hoạch được nhiều chuyên gia coi trọng.

Theo đó, trong quy hoạch cần tính đến yếu tố quy hoạch mở để phù hợp với đặc tính của khu tổ hợp này là yếu tố tự hoàn thiện, tránh quy hoạch cứng sau này khó thay đổi. Thêm nữa, với sự mới mẻ, có tính tiên phong, lại là đầu tư vào lĩnh vực văn hoá vốn gian nan hơn, có tính đặc thù so với những lĩnh vực khác nên cần có cơ chế thích hợp để đầu tư cơ sở hạ tầng và đặc biệt là tham mưu cơ chế chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có những chính sách về thuế, phí, thành lập quỹ hỗ trợ, cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp, về cung cấp nguồn nhân lực, nhà ở chuyên gia… Tất cả đều hướng đến việc thu hút nhân tài, thu hút các sản phẩm trí tuệ, sáng tạo là quan trọng nhất.
Vấn đề quỹ đất cho hoạt động văn hoá sáng tạo cũng như việc đầu tư các thiết chế văn hoá xứng tầm được nhiều chuyên gia quan tâm. Hiện nay, Hạ Long với việc sáp nhập huyện Hoành Bồ cũ, mở rộng về khu vực phía Bắc với diện tích tăng lên nhiều lần so với trước đây, đã tạo nguồn quỹ đất dồi dào cho định hướng phát triển. TP Hạ Long cũng đã dự kiến phương án bố trí quỹ đất phát triển văn hóa trên địa bàn tại 3 vị trí với tổng diện tích hơn 107,6ha.

Trong đó, vị trí tại phường Bãi Cháy được định hướng nghiên cứu bố trí công trình Nhà hát tỉnh, vị trí tại phường Tuần Châu định hướng nghiên cứu bố trí công trình Nhà hát Opera, tạo điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan tuyệt vời bên bờ Vịnh Hạ Long, đồng thời góp phần giải “cơn khát” về công trình nhà hát xứng tầm, có thể tổ chức các sự kiện văn hoá, nghệ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế. Còn vị trí tại phường Đại Yên được định hướng là đất dịch vụ, du lịch gắn với phát huy giá trị cảnh quan di tích - thắng cảnh quốc gia hồ Yên Lập - chùa Lôi Âm... Như vậy, không gian, quỹ đất dành cho các hoạt động văn hoá, sáng tạo là vô cùng rộng mở, nếu quy hoạch mở thì việc xây dựng những thiết chế văn hoá - thể thao đa năng, có thể linh hoạt tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao lớn mang tầm quốc tế là hoàn toàn khả thi…
Tập trung vào sản phẩm trọng điểm
Quảng Ninh định hướng phát triển các ngành CNVH sẽ đi vào những ngành, sản phẩm trọng điểm về du lịch văn hóa, quảng cáo, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, điện ảnh, thời trang. Như vậy thì tất yếu Hạ Long sẽ trở thành thành phố của văn nghệ sĩ, là một điểm đến, gắn bó đối với rộng rãi các văn nghệ sĩ tài năng.
Hạ Long đã và đang nỗ lực xây dựng thành phố của hoa và lễ hội, mở rộng sản phẩm du lịch ở các phân khúc khác nhau trên Vịnh Hạ Long, nối dài những điểm đến du lịch trải nghiệm ở khu vực đồi núi, vùng cao phía Bắc của địa phương. Qua đó, nhằm phát triển các sản phẩm du lịch suốt 4 mùa, mỗi mùa lại có những đặc trưng khác biệt, thu hút du khách. Và đây cũng là điều kiện tốt cho các văn nghệ sĩ từ những đô thị lớn đến đây có không gian sáng tác rộng mở, phóng khoáng, tạo cơ hội thăng hoa trong các sản phẩm nghệ thuật. Đồng thời, cũng là cơ hội cho những sản phẩm sáng tạo ra có thể trở thành sản phẩm thương mại, với thị trường cung - cầu đều sôi động…

Hạ Long không chỉ có thiên nhiên tươi đẹp mà còn hàm chứa tầng sâu về văn hoá, là mỏ tài nguyên chưa được khám phá hết, có nhiều câu chuyện kỳ bí có thể khai thác làm chất liệu cho các bộ phim lịch sử, cổ trang. Sự liên kết về di sản, không gian văn hoá giữa các địa phương trên địa bàn là cơ sở quan trọng để hình thành các sản phẩm du lịch văn hoá cũng như là chất liệu cho phim trường du lịch. Nếu như Hạ Long có di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long thì Uông Bí, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn có những khu di sản lớn gắn với nhà Trần, nằm trong quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đề cử UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, CEO Công ty TNHH Bình Hạnh Đan, một trong những công ty tư nhân có kinh nghiệm dày dặn về hoạt động truyền thông, phim ảnh, thì nguồn di sản này rất quý giá cho phát triển ngành công nghiệp phim ảnh.
Tuy nhiên, bà cho rằng, Hạ Long, Quảng Ninh nên phát triển phim trường du lịch thay vì phim trường thực. Bởi lẽ, phim trường thực cần yêu cầu cao về thời tiết nắng đẹp nhiều ngày trong năm, đảm bảo cho các cảnh quay, điều mà khí hậu thay đổi theo 4 mùa của Quảng Ninh khó đáp ứng được. Còn phim trường du lịch có thể trở thành ngành công nghiệp lớn, tạo nguồn thu khổng lồ, tương tự như Disney Land thì việc sản xuất phim chỉ để quảng bá, doanh thu các phòng chiếu chỉ chiếm 20% tổng doanh thu của Disney, còn lại phần lớn đến từ các loại hình kinh doanh khác như công viên giải trí, đồ chơi đi kèm…

Thời gian qua, các di sản của Hạ Long, Quảng Ninh đã đi vào nhiều bộ phim điện ảnh, cũng là nguồn cảm xúc cho nhiều văn nghệ sĩ sáng tạo các tác phẩm VHNT, điện ảnh, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng cao, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Vì vậy, nếu có một hướng đi tốt, kết nối các nguồn lực lại cho phát triển CNVH, sáng tạo chắc chắn sẽ tạo những đột phá mới. Khi tổ hợp CNVH, sáng tạo tại TP Hạ Long đi vào vận hành sẽ là cơ hội rộng mở cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh văn hoá, nhất là doanh nghiệp trẻ có thể sáng tạo những sản phẩm, từ mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, thời trang… đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong guồng quay phát triển CNVH của tỉnh.
Mặc dù có nhiều triển vọng như vậy nhưng để hiện thực hoá thì các vấn đề phải đồng thời tiến hành với nhau mà điều tiên quyết là đảm bảo hành lang pháp lý cho tổ hợp, khu CNVH, sáng tạo này. Việc vận hành đòi hỏi quyết tâm cao, sự đồng hành giữa các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó, nguồn lực đầu tư là vấn đề vô cùng quan trọng.
Theo nhận định của các chuyên gia thì ở những nước phát triển mạnh về CNVH như Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có những quỹ về xúc tiến CNVH, các doanh nghiệp văn hoá được tài trợ cho sáng tạo, ý tưởng sáng tác nghệ thuật để giảm thiểu những nguy cơ rủi ro, điều không hiếm thấy trong sáng tạo nghệ thuật. Vì vậy, thiết nghĩ cùng với mô hình khu, tổ hợp CNVH, sáng tạo tại TP Hạ Long ra đời cũng cần có những “lò ấp” để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh văn hoá kết nối các nguồn lực, như là về đào tạo nhân lực, tính pháp lý, cho thuê văn phòng, các quỹ để kết nối, tài trợ sáng tạo…
Ý kiến ()