Hiệu quả các chính sách đối với người khuyết tật
Cùng với sự phát triển của KT-XH, công tác an sinh xã hội trên địa bàn Quảng Ninh luôn được quan tâm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, trong đó tỉnh đặc biệt quan tâm đến người khuyết tật (NKT), trẻ mồ côi và các đối tượng không may mắn trong cuộc sống.
Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 19.000 NKT (chiếm 1,7% dân số của tỉnh), trong đó NKT nặng và đặc biệt nặng là hơn 13.000 người.
Tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác trợ giúp NKT thông qua việc triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động trợ giúp NKT trong kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn và hằng năm của địa phương. Cùng với những chính sách của Trung ương, các cơ chế, chính sách riêng của tỉnh về chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, giáo dục, giải quyết chế độ, chính sách trợ giúp cho đối tượng bảo trợ xã hội, NKT đã dần đi vào cuộc sống.
Điển hình trong đó là Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn Quảng Ninh. Mức chuẩn trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh được nâng lên 450.000 đồng/tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế sinh sống tại cộng đồng, giai đoạn từ 1/8/2021 đến 31/12/2022 và tăng lên 500.000 đồng/tháng từ ngày 1/1/2023 trở đi, cao hơn 1,38 lần so với mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/NĐ-CP của Chính phủ.
Quảng Ninh đã bổ sung đối tượng NKT nặng, NKT đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động vào đối tượng hưởng trợ giúp xã hội... Cùng với đó, tỉnh cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ NKT có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội học nghề, việc làm. Hằng năm, tỉnh đều bố trí kinh phí 10-15 tỷ đồng hỗ trợ học nghề cho người lao động. Các địa phương đã tăng cường thực hiện công tác rà soát, xác định, xác định lại mức độ khuyết tật và thực hiện các quy định về xét duyệt đối tượng hưởng trợ cấp, đảm bảo 100% đối tượng NKT đủ điều kiện được hưởng chế độ bảo trợ xã hội.
Trần Đức Minh (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) sinh ra trong gia cảnh khó khăn, bản thân Minh là người khiếm thính. Sau khi được tiếp nhận vào Cơ sở Bảo trợ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, Minh được hỗ trợ học nghề cắt tóc. Khi trưởng thành, Minh được nhận vào học nghề và làm việc tại một salon tóc trên địa bàn TP Hạ Long.
Bằng cách thức đa dạng, quyết liệt, cũng như sự chung tay của cả hệ thống chính quyền, đến nay toàn tỉnh đã có gần 900 NKT có khả năng lao động được đào tạo nghề, trong đó số được đào tạo nghề từ chương trình dành cho NKT là hơn 400 người.
Cùng với trợ cấp xã hội hằng tháng, các đối tượng thụ hưởng còn được hỗ trợ về BHYT, chi phí khám, chữa bệnh, học phí, mai táng và được nhận nhiều hỗ trợ khác. Riêng năm 2023, với việc thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà ở dột nát mới phát sinh, nhiều NKT thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở, có cuộc sống ổn định trong những ngôi nhà khang trang, kiên cố.
Anh Nình A Sy (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên) bị khuyết tật trí tuệ nặng, gia đình thuộc hộ nghèo, bố mẹ đều tuổi cao, sức yếu, không còn khả năng lao động. Ngôi nhà trước đây của gia đình anh đã xuống cấp, dột nát, do điều kiện kinh tế khó khăn không thể xây mới. Được sự hỗ trợ của địa phương, các doanh nghiệp, người thân đã giúp đỡ gia đình anh Sy xây được ngôi nhà mới khang trang. Ông Nình A Lồ, bố của anh Sy chia sẻ: Con trai tôi bị khuyết tật từ nhỏ nên thiệt thòi hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Dù vậy, gia đình tôi đến giờ vẫn thấy rất vui trước sự quan tâm của các cấp chính quyền và doanh nghiệp để chúng tôi được ở trong ngôi nhà vững chắc, an toàn.
Từ những chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự quan tâm của toàn xã hội, NKT trên địa bàn Quảng Ninh đang có thêm nhiều động lực để vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập cùng cộng đồng.
Ý kiến ()