
Đưa liệt sĩ trở về quê hương
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang sống trong hòa bình và phát triển, nhưng những đau thương mà chiến tranh để lại vẫn chưa bao giờ nguôi. Nhiều người lính hy sinh trong chiến tranh nhưng hài cốt vẫn còn nằm lại nơi chiến trường, chưa được tìm thấy, quy tập, an táng đúng nghi lễ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một hành trình không chỉ có tính nhân văn sâu sắc, mà còn là bổn phận, trách nhiệm thiêng liêng của cả hệ thống chính trị và mọi người dân Việt Nam.
“Phải đưa được các anh về với Đất mẹ”
Một ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến mảnh đất Đệ tứ Chiến khu Đông Triều tìm gặp ông Ngô Quang Chiều, CCB Lữ đoàn 126 Hải quân. Trong ngôi nhà nhỏ, ấm cúng, người lính già mái tóc đã pha sương, lật giở từng trang sổ tay ghi chép, kể cho chúng tôi nghe về hành trình bao năm đi kiếm tìm hài cốt đồng đội, đưa các anh về với quê hương. Với ông Chiều, mỗi con chữ trong cuốn sổ đã ngả vàng ấy như máu thịt, là tấm bản đồ quý giúp ông tìm kiếm đồng đội. Hai chục năm nay ông băng rừng, vượt núi từ Bắc vào Nam, đưa hài cốt đồng đội trở về với quê hương. “Mình trở về sau chiến tranh là một may mắn, trong khi nhiều đồng đội phải nằm lại ở những vùng núi rừng xa xôi, nên dù thế nào cũng phải cố gắng tìm kiếm, đưa các anh về với Đất mẹ”, ông Chiều bùi ngùi.
Tháng 1/1970, ông Chiều nhập ngũ, được biên chế vào Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, đến tháng 10/1970, được điều động vào đơn vị HB18 thuộc Mặt trận Quân khu 5 (Quảng Ngãi) để thực hiện nhiệm vụ đón đoàn tàu không số. Năm 1972, ông tiếp tục vào đơn vị C170 thuộc Mặt trận Quân khu 4 (Đà Nẵng) để làm nhiệm vụ đánh tàu, cầu cảng… Trực tiếp tham gia các trận chiến, ông Chiều là người thấm thía nỗi đau của chiến tranh, tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh, chính tay ông đã chôn cất và đặt bia cho 9 đồng đội của mình.
Ông Chiều tâm sự: “Trong suốt những năm tháng hòa bình, tôi luôn trăn trở, liệu những đồng đội hy sinh năm xưa đã được tìm thấy và đưa về quê hương chưa. Do điều kiện còn khó khăn, đến năm 2000, nghỉ hưu, tôi mới có điều kiện trở lại chiến trường xưa để xác định các vị trí đồng đội hy sinh. Tôi ghi chép chi tiết tên tuổi, quê quán của đồng đội tôi ở đơn vị HB18 và C170 đã hy sinh vào một cuốn sổ, thống kê người nào được hay chưa được đưa về quê nhà”. Sau gần 20 năm, hành trình tìm kiếm đồng đội của CCB Ngô Quang Chiều đã giúp quy tập được hài cốt của 9 liệt sĩ đưa về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Dù không ít khó khăn, gian khổ, có lúc hành trình như đâm vào ngõ cụt, nhưng mỗi đồng đội được tìm thấy, người CCB già lại thêm một phần bình an trong lòng.

Ông Chiều kể lại: “Trong tất cả các cuộc tìm kiếm, khó khăn nhất là hành trình tìm liệt sĩ Ngô Văn Phiệt, đồng hương Đông Triều. Anh Phiệt hy sinh năm 1974 tại Bình Định, được tôi chôn ngay trong vườn nhà dân. Năm 2000 tôi cùng một đồng đội ở Đà Nẵng vào Bình Định tìm đồng đội. Khu vườn ngày ấy cũng đã bị san phẳng nên khó xác định vị trí ngôi mộ. Chúng tôi tới vị trí đã ghi chép lại, mượn cuốc xẻng đào bới trong 1 tuần. Khi đào thấy một chiếc tăng võng và con dao đặc công nước, chúng tôi reo lên như đứa trẻ: “A! Nó đây rồi!”. Và 2 anh em ngồi đó khóc. Hài cốt liệt sĩ Phiệt khi được tìm thấy vẫn mắc trong 1 túi nilon, sau gần 30 năm thi thể vẫn chưa phân hủy hoàn toàn, chúng tôi phải bóc tách để đưa đồng đội về quê”. Kể đến đây, những giọt nước mắt thương cảm đồng đội lại trào ra trên khóe mắt người lính già.
Về TP Uông Bí, chúng tôi được nghe câu chuyện của CCB Đoàn Văn Tuấn, gần 20 năm qua lặng lẽ ngược xuôi các chiến trường xưa tìm kiếm đồng đội đưa về quê hương. Sinh năm 1950, tại Yên Đức (Đông Triều), năm 18 tuổi chàng thanh niên Đoàn Văn Tuấn nhập ngũ, tham gia hàng trăm trận đánh, chứng kiến nhiều đồng đội nằm lại chiến trường… Năm 1991, trở về với cuộc sống đời thường, với bản lĩnh của người lính Bộ đội Cụ Hồ, ông tích cực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tham gia các hoạt động xã hội địa phương.
Trong sâu thẳm luôn thôi thúc ông đi tìm lại đồng đội. Từ năm 2005, ông đã dành dụm, tích góp tiền bạc, dành thời gian, tâm trí để trở lại chiến trường xưa nắm thông tin, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Ông còn trực tiếp dẫn các đội quy tập để khai quật các địa điểm, với quyết tâm còn sức khoẻ còn đi tìm đồng đội.

Năm 2010, ông vào Phòng Chính sách, Sư đoàn 320 ở tỉnh Gia Lai, thống nhất danh sách 70 liệt sĩ (tài liệu gốc bị mất) quê ở Quảng Ninh hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên (giai đoạn 1972-1975), đang nằm ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Toàn bộ danh sách trên ông trực tiếp thông báo cho Ban Liên lạc Sư đoàn 320 ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để thông tin đến thân nhân, gia đình liệt sĩ. Nhiều gia đình liệt sĩ đã trở lại Nghĩa trang đưa hài cốt trở về quê hương.
Giai đoạn 2012-2017, ông đã hàng chục lần sang chiến trường hạ Lào để tìm kiếm đồng đội. Năm 2012, ông đến các huyện Sê Pôn, Mường Phìn, Đồng Hến (tỉnh Savanakhet) tìm kiếm đồng đội ở nghĩa trang liệt sĩ của các Trung đoàn 48, 64 (Sư đoàn 320), hy sinh trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971.
Ông Tuấn kể: Năm 2016, 2017, tôi cùng Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584 (Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị) khai quật hàng chục địa điểm tại huyện Thaphalanxay (tỉnh Savanakhet). Sau nhiều ngày tìm kiếm tại nghĩa trang Đồng Hến (Lào), chúng tôi chỉ quy tập được hài cốt của 10 liệt sĩ đã được các đội khác đào trước đó. Nhưng không hiểu vì điều gì thôi thúc, tôi vẫn linh cảm ở khu vực này vẫn còn mộ liệt sĩ. Tôi đề nghị Đội quy tập đào mở rộng thêm. Sau 30 phút đào, Đội đã phát hiện thêm 1 bộ hài cốt liệt sĩ còn nguyên vẹn. Tôi tiếp tục quan sát, xem xét các đặc điểm khác xung quanh, như tán cây xanh to, bạt cỏ nhô cao, mọc dày..., tôi quyết tâm mở rộng phạm vi tìm kiếm. Niềm vui đã đến khi sau 1 ngày chúng tôi đào thêm được 6 bộ hài cốt còn nguyên vẹn bó trong tăng võng. Sau gần 50 năm “gối đất nằm sương” nơi đất khách quê người, những đồng đội của tôi cuối cùng cũng được trở về với Đất mẹ.

Sau đợt ấy, ông còn có 2 lần nữa sang một số địa phương của Lào tìm kiếm đồng đội. Ông cũng nhiều lần vào tỉnh Quảng Trị gặp gỡ, làm việc với cơ quan chính sách, đội quy tập hài cốt liệt sĩ, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9 để đối chiếu số liệu danh sách liệt sĩ thuộc đơn vị ông; trong đó nhiều người được ông thông báo cho người thân để đưa về quê hương.
Hành trình không ngừng nghỉ
Hành trình lần theo dấu tích, tìm kiếm hài cốt những người con của quê hương Quảng Ninh đã ngã xuống vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc, đưa các anh về đoàn tụ với gia đình, quê hương chưa bao giờ ngừng nghỉ. Những năm qua, các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương, từ các CCB đến người dân đều chung một nỗ lực để đưa những người lính trở về. Họ đã đi qua những khu rừng sâu, những dãy núi cheo leo, lần tìm từng manh mối từ những lời kể của nhân chứng, từng trang hồ sơ cũ kỹ để tìm ra nơi an nghỉ cuối cùng của những người đã hy sinh.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được triển khai một cách kiên trì, bền bỉ, bài bản với phương châm “Còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập”. Tất cả chung một tấm lòng, một niềm tin: Dù thời gian có qua đi, dù chiến trường xưa giờ đã thành phố xá, rừng núi hay những mảnh ruộng, cũng không thể để những người lính nằm lại mà không ai biết đến.

Trên hành trình đầy tình nhân văn ấy, bên cạnh gia đình, đồng đội, người dân, còn có sự vào cuộc trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với sự hỗ trợ đắc lực từ các cơ quan chuyên môn, nhất là Bộ CHQS tỉnh và các đơn vị LLVT trên địa bàn tỉnh. Họ là những người lặng thầm, cần mẫn trong từng chuyến đi thực địa, khảo sát, trích lục hồ sơ. Mỗi khi có thông tin về vị trí có thể có hài cốt, họ lại khoác ba lô, mang theo cuốc xẻng, máy dò kim loại, vượt rừng, băng suối đến tận nơi. Có những điểm cao hơn 1.000m so với mực nước biển, họ phải đi bộ cả ngày trời mới tới nơi. Có lúc đào tới 2-3m đất sâu, không tìm thấy gì, lấp lại, đi tiếp. Nhưng chưa bao giờ họ nản chí. Bởi họ tin, phía sau lớp đất ấy, là xương máu của cha anh, những người đã hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Từ năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã tiếp nhận, xử lý hơn 300 nguồn tin do nhân dân và các CCB cung cấp; tiếp nhận, rà soát, hoàn thiện danh sách gần 3.000 thông tin về liệt sĩ, quân nhân hy sinh, từ trần, mất tích do 38 cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội cung cấp; đính chính, sửa đổi thông tin trên hơn 100 bia mộ liệt sĩ; cung cấp thông tin cho các đơn vị quân đội khớp nối thông tin hồ sơ gần 300 liệt sĩ; cung cấp thông tin liên quan đến hơn 550 liệt sĩ theo đề nghị của thân nhân liệt sĩ; tra cứu, giải mã gần 300 hồ sơ phục vụ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ...

Riêng năm 2024, thực hiện Đề án 515 “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đến năm 2030 và những năm tiếp theo", công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tiếp tục đạt nhiều kết quả. Theo báo cáo của BCĐ 515 tỉnh, từ nhiều nguồn thông tin của người dân, CCB, các hồ sơ lưu trữ đã được rà soát, đối chiếu cẩn thận. Các địa phương trong toàn tỉnh, các sở, ngành chức năng đều tích cực khảo sát, thu thập chứng cứ, phối hợp với các đơn vị chuyên môn để tiến hành quy tập hài cốt. Toàn tỉnh đã hoàn thành giải mã ký hiệu, phiên hiệu, địa bàn liệt sĩ hy sinh và cấp giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh cho 16 trường hợp; hướng dẫn thân nhân liệt sĩ liên hệ đơn vị cũ để cấp giấy xác nhận nơi liệt sĩ hy sinh 4 trường hợp; rà soát thông tin 3 liệt sĩ quy tập về an táng tại tỉnh; kiểm tra, xác minh, bổ sung thông tin cho 19 hồ sơ liệt sĩ; trích lục thông tin 14 liệt sĩ cho thân nhân; tiếp nhận và trả lời 5 trường hợp hỏi về thông tin liệt sĩ; hàng loạt mộ phần liệt sĩ khác được xác minh, chuẩn hóa thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đã tạo điều kiện thuận lợi, tư vấn, hỗ trợ gia đình liệt sĩ đi tìm kiếm, di chuyển hài cốt liệt sĩ hy sinh trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Nhà nước. Qua đó đáp ứng một phần nguyện vọng của thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần thực hiện, giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội, thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa với những hy sinh, cống hiến to lớn của các liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhà nước, quân đội và chính quyền địa phương vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác này, huy động sự tham gia của toàn xã hội. Những chương trình như “Đi tìm đồng đội”, “Thông tin về liệt sĩ” trên các phương tiện truyền thông đã giúp hàng trăm gia đình tìm lại người thân sau bao năm xa cách. Công nghệ hiện đại được áp dụng vào quá trình tìm kiếm. Việc sử dụng bản đồ chiến tranh, dữ liệu ADN, cùng sự phối hợp với các CCB đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, những người lính năm xưa đang dần được đưa về Đất mẹ. Họ không còn cô đơn nơi chiến trường xưa nữa, mà đã được trở về trong vòng tay đồng đội, người thân.
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là một hành trình đầy gian nan, nhưng cũng là hành trình của lòng biết ơn, của đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Mỗi một hài cốt được tìm thấy, mỗi một liệt sĩ được trở về với quê hương, là một lần đất nước trả được một món nợ ân tình. Dù bao năm nữa trôi qua, công cuộc tri ân này vẫn sẽ tiếp tục, bởi đó không chỉ là trách nhiệm, mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam.
Ý kiến ()