Hành trình đưa phim tới những bản làng
Từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, chiếu bóng lưu động đã trở thành một trong những hình thức giải trí phổ biến, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân vùng mỏ. Đến nay, sau nhiều thăng trầm của thời gian và sự phát triển của công nghệ nghe nhìn, những chuyến xe chiếu bóng vẫn rong ruổi qua những bản làng, miền quê, mang theo niềm vui, tiếng cười và cảm xúc cho bao thế hệ.
Đưa điện ảnh đến miền xa
Ngược dòng lịch sử, Quốc doanh chiếu bóng Quảng Ninh được thành lập ngày 12/5/1958, là đơn vị phụ trách các đợt chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đơn vị đã trải qua nhiều lần đổi tên khác nhau thành Công ty Điện ảnh Quảng Ninh, Trung tâm Điện ảnh Quảng Ninh, Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Quảng Ninh, trước khi sáp nhập với Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh như hiện nay.
Giai đoạn cuối những năm 90 của thế kỷ trước, trung tâm thành lập 3 đội chiếu phim lưu động, được đặt tên là QNI, QNII, QNIII, hoạt động theo hình thức nhà nước giao nhiệm vụ phục vụ chính trị, mỗi năm thực hiện khoảng 600 buổi chiếu bóng tại các vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo của tỉnh (vùng III).
Rong ruổi trên mọi nẻo đường, từ những bản làng miền núi cao đến những vùng biển đảo xa xôi, những người làm chiếu bóng Quảng Ninh đã đưa điện ảnh đến với những vùng đất nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn, khan hiếm các phương tiện giải trí và chưa có đủ điều kiện để xây dựng các rạp chiếu phim.
Ban đầu, khi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, các đội chiếu phim lưu động phải đi bằng xe máy cá nhân, sử dụng máy chiếu 100 inch, đầu phát DVD. Đến năm 2000, Trung tâm được cấp xe ô tô u oát cũ và trang bị 6 bộ máy chiếu phim nhựa 35mm theo chương trình mục tiêu quốc gia. Đến khi xuất hiện máy chiếu phim kỹ thuật số, đơn vị tự mua sắm được 3 bộ phục vụ đồng bào và không còn phải mang vác phim nhựa cồng kềnh, trèo đèo, lội suối lên các bản làng.
Ông Ninh Xuân Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh - một người đã có hơn 32 năm gắn bó với công tác chiếu bóng lưu động ở Quảng Ninh chia sẻ: “Ngày trước, tôi cùng đồng nghiệp thường xuyên mang những cuộn phim nhựa nặng hàng chục kg cùng thiết bị máy chiếu cồng kềnh, vượt qua nhiều con đường đèo dốc để mang phim đến cho bà con. Mỗi lần chuẩn bị chiếu phim, chúng tôi đều phải đến trước 1 ngày, kiểm tra các thiết bị như máy chiếu, âm thanh, máy phát điện. Tuy không ít vất vả, nhưng khi thấy bà con phấn khởi đến xem phim rất đông thì chúng tôi cũng cảm thấy tan biến hết mệt nhọc”.
Không thể kể hết những khó khăn vất vả của đội ngũ chiếu bóng khi phải đi bộ lên xã Kỳ Thượng thời kỳ xã còn chưa có đường ô tô, mang vác thiết bị đến các điểm vùng cao mà chưa có đường, đi đò ra các đảo gặp sóng to, gió lớn nên anh em say sóng lên đảo không ăn được cơm. Có những khi đi xe ô tô cũ sàn mục, thủng lỗ nên khi đến bản đầu tóc bạc đỏ toàn bụi đất. Một thời gian dài anh em trong đội chiếu bóng phải ngủ nhờ hội trường UBND xã hoặc ở nhà dân không có điện, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh...
Công việc chiếu bóng nay đây mai đó, mỗi đội chiếu bóng thường chỉ có 4-5 người, lại thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, từ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ chiếu phim đến việc di chuyển qua các cung đường gian nan, đặc biệt là vào mùa mưa bão. Tuy nhiên, những khó khăn ấy không ngăn được nhiệt huyết của những người làm nghề. Những buổi chiếu phim không chỉ mang đến những giây phút giải trí mà còn là nơi giao lưu, kết nối cộng đồng ở những bản làng xa xôi, thu hẹp khoảng cách miền xuôi, miền ngược, biên giới, hải đảo. Vì vậy, nghề chiếu bóng vất vả nhưng cũng đầy ý nghĩa khi mang ánh sáng văn hóa đến những bản làng.
Những đổi thay theo thời cuộc
Theo thời gian, khi cuộc sống ngày một phát triển, các phương tiện nghe nhìn nở rộ, các buổi chiếu phim lưu động cũng dần vắng bóng. Tuy không còn thịnh hành như trước, nhưng hoạt động chiếu phim lưu động vẫn được duy trì nhằm góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những kiến thức liên quan đến đời sống người dân.
Sau sáp nhập, các đội chiếu phim được biên chế gộp với đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa tỉnh và hoạt động với hình thức “3 trong 1”: chiếu phim tài liệu, phóng sự, biểu diễn ca múa nhạc, tiểu phẩm tuyên truyền, kết hợp với triển lãm tranh cổ động. Hằng năm, kế hoạch tỉnh giao 50 buổi chiếu phim và các đợt tuyên truyền khác theo yêu cầu của địa phương. Kết hợp với đó là những hình thức tuyên truyền khác như chương trình nghệ thuật, triển lãm tranh cổ động.
Dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, đội tuyên truyền lưu động của Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh cũng đang tổ chức 2 đợt tuyên truyền, đợt 1 từ ngày 13-18/1, đợt 2 từ ngày 4-9/2 tại 8 địa phương trong tỉnh.
Anh Bùi Thành Chung, đội trưởng Đội tuyên truyền lưu động, Trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đề tài phim được chiếu lưu động ở thôn, bản khá đa dạng như phim đề tài về chiến tranh cách mạng, phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, phim tài liệu về thành tựu của đất nước, các ngành nghề... nhằm phục vụ các thế hệ khác nhau. Tuy nhiên đa phần đều là những phim cũ, còn nặng về nội dung tuyên truyền, trong khi nguồn phim giải trí lại hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Còn nguồn phim truyện mới sản xuất thì đơn vị khó tiếp cận vì giá thị trường cao. Những người làm công tác chiếu bóng chúng tôi cũng mong muốn Cục Điện ảnh có thể cung cấp những bộ phim hay, hấp dẫn, sát với thực tế cuộc sống để lôi cuốn, thu hút người dân hơn.”
Mặc dù ngành chiếu bóng lưu động đang gặp phải sự cạnh tranh từ các phương tiện giải trí hiện đại như truyền hình, internet, nhưng không thể phủ nhận rằng chiếu bóng lưu động vẫn giữ được nét riêng biệt của nó trong lòng người dân Quảng Ninh. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để ngành chiếu bóng phát triển bền vững, cải thiện chất lượng thiết bị, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ nhân viên, đồng thời nâng cao chất lượng các bộ phim trình chiếu, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Bằng những đổi thay bắt nhịp thời cuộc, những chuyến xe chiếu bóng sẽ tiếp tục nối dài hành trình mang ánh sáng điện ảnh đến với những bản làng, giúp những người dân nơi đây tiếp cận với thế giới văn hóa phong phú, mở rộng tầm nhìn về những giá trị nhân văn và sức hấp dẫn mà bộ môn nghệ thuật thứ 7 mang lại.
Ý kiến ()