Hành động mạnh mẽ vì khí hậu
Một quan chức hàng đầu của LHQ về biến đổi khí hậu, cho biết các nước đã thể hiện sự đoàn kết và nhượng bộ chưa từng có trong 17 năm đàm phán về chống biến đổi khí hậu. Dư luận hy vọng, tại Hội nghị COP 15 các nước sẽ đạt được thoả thuận đột phá, mang tính lịch sử về chống biến đổi khí hậu, thay cho Nghị định thư Ki-ô-tô sẽ hết hiệu lực vào năm 2012.
Trong thời gian này, tại Cô-pen-ha-ghen và nhiều thành phố trên thế giới, công luận tiếp tục gây sức ép thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới hành động mạnh mẽ và kiên quyết hơn để bảo vệ môi trường thế giới. Nam Phi thông báo cắt 34% lượng khí CO2 trong 10 năm tới so với mức năm 1990 và có thể tăng tỷ lệ này lên 42% vào năm 2025. EU cam kết hỗ trợ từ 1 đến 3 tỷ ơ-rô trong ba năm tới giúp các nước nghèo đối phó với những tác động từ biến đổi khí hậu...
Biến đổi khí hậu đang là vấn đề “nóng” của toàn cầu, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường và các nhà khoa học. Do lượng khí thải thải ra môi trường ngày một tăng, đặc biệt là ở các nước công nghiệp phát triển, cộng với tình trạng tàn phá môi trường nghiêm trọng không kiểm soát được đã dẫn tới hiện tượng hiệu ứng nhà kính, thủng tầng ôzôn làm cho trái đất đang dần nóng lên. Hệ quả là làm băng ở hai đầu bán cực tan chảy, dẫn đến nước biển dâng cao. Thực tế nhiều quốc gia đã phải hứng chịu hậu quả của sự biến đổi này. Và các nhà khoa học cũng dự báo Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ chịu tác động mạnh của tình trạng nước biển dâng cao.
Biến đổi khí hậu là vấn đề của toàn cầu, liên quan đến từng quốc gia, thậm chí từng tổ chức, đơn vị và mỗi cá nhân. Để chống lại sự biến đổi khí hậu cần những hành động mạnh mẽ và cụ thể, như cắt giảm lượng khí thải; chống lại sự tàn phá, huỷ diệt môi trường; đẩy mạnh các biện pháp làm cho thế giới ngày càng xanh hơn, sạch hơn. Chống lại sự biến đổi khí hậu là việc phải làm ngay, làm mạnh mẽ và kiên quyết, trước khi quá muộn...
Ý kiến ()