Hạn chế hoạt động đông người để kéo giảm số ca nhiễm Covid-19
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, Quảng Ninh đã phát hiện, ghi nhận hơn 5.300 ca mắc mới, trong đó nhập cảnh từ nước ngoài 119 ca, mắc trong nội địa hơn 5.200 ca. Điều đáng chú ý là trong những ngày qua, các ca mắc mới trên địa bàn tỉnh đều tăng lên theo từng ngày (trung bình trên dưới 350 ca mỗi ngày) và dự báo đến ngày 25/1/2022 sẽ là đỉnh của đợt dịch lần này với con số dự kiến khoảng trên 1.000 ca/ngày.
Đây là điều đáng lo ngại, bởi đã trải qua nhiều đợt dịch từ năm 2020 đến nay, nhưng chưa khi nào Quảng Ninh có tới 1.000 ca/ngày. Trong khi đó, các tỉnh lân cận số ca mắc cũng tăng nhanh, thậm chí có địa phương đã xuất hiện biến chủng mới Omicron từ người nhập cảnh, có tốc độ lây lan rất nhanh. Tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh trong một bộ phận người dân, trong đó bao gồm cả cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện khi vin vào lý do đã được tiêm chủng. Đặc biệt, TP Hải Phòng tiếp giáp Quảng Ninh, ngày 8/1 đã công bố cấp độ dịch Covid-19 trên quy mô toàn thành phố lên cấp độ 4 (vùng đỏ, có nguy cơ rất cao) sau khi 131/218 xã, phường trên địa bàn chuyển cấp độ 4. Theo lãnh đạo thành phố, mặc dù chưa đến mức, nhưng thành phố quyết định nâng cấp độ dịch ở mức cao nhất nhằm mục tiêu giảm số ca mắc ngoài cộng đồng và muốn nhắc nhở người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch...
Trước thực tế và dự báo về tình hình dịch như vậy, để chủ động ứng phó với các cấp độ, quy mô dịch trong tình hình hiện nay, Sở Y tế đã lập kế hoạch thu dung, cách ly, điều trị trong tình huống có đến 10% dân số ( khoảng 138.000 người) nhiễm Covid-19 trong 14 ngày với từng kịch bản cụ thể.
Việc tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân trong các tình huống đều được thực hiện theo 3 nguyên tắc: Phát hiện ở đâu thì cách ly, quản lý và điều trị ở địa phương đó; tổ chức điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 theo mức độ và nguy cơ; linh hoạt theo cấp độ dịch...
Để chủ động, khẩn trương ứng phó hiệu quả với tình huống số ca bệnh Covid-19 tăng nhanh ở mức cao, ngày 8/1 vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã họp trực tuyến với các sở, ngành, địa phương bàn một số nội dung công việc liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tại cuộc họp, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn yêu cầu ngành Y tế và các địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện lại kế hoạch, trong đó phải bổ sung thêm phương án có trên 1.000 bệnh nhân nhiễm Covid-19/ngày trở lên. Từ đó, ngành Y tế xác định cụ thể lại về nguồn nhân lực, làm rõ việc tổ chức thực hiện đối với từng tuyến điều trị (tại nhà, ngoài cơ sở y tế và tại các cơ sở y tế).
Các địa phương chủ động tổ chức mua sắm các trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm, hóa chất, thuốc... theo đúng phương án đã xây dựng, trước mắt là phương án có 1.000 ca mắc mới/ngày; xác định lại về khả năng số bệnh nhân có thể cách ly tại nhà; sự sẵn sàng đáp ứng về cơ sở hạ tầng của các cơ sở cách ly, điều trị y tế và nhân lực cho từng kịch bản. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc thành lập và quản lý các trạm y tế lưu động, bởi thực tế cho thấy trong các đợt dịch vừa qua nhiều địa phương trong nước đã phát huy hiệu quả của các trạm y tế lưu động trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại cộng đồng.
Về các giải pháp, biện pháp để khống chế, giảm số ca mắc mới trong thời gian tới, theo Chủ tịch UBND tỉnh thì cách tốt nhất là hạn chế hoạt động đông người. Do đó, ngành Y tế phải tham mưu tỉnh trong việc nâng cấp độ dịch theo quy định. Tuy nhiên, với những địa phương có nguy cơ số bệnh nhân tiếp tục tăng cao cần nhanh chóng nâng cấp độ dịch theo thẩm quyền và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi 3 cho người dân và hoàn thành tiêm vét cho các đối tượng chưa tiêm mũi1, mũi 2. Đặc biệt, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo những chỉ đạo từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại cơ sở, địa phương được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả...
Kịch bản đặt ra khi ở đỉnh dịch, Quảng Ninh có thể lên tới trên 1.000 ca bệnh mắc mới/ngày để từ đó các cấp, các ngành, địa phương và lực lượng chức năng chủ động có các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, không bị bất ngờ, lúng túng. Đây là điều không ai mong muốn, nhưng nếu thực tế xảy ra như vậy thì đã có cách ứng phó kịp thời, bài bản. Tuy nhiên, để không dẫn đến số ca mắc mới tăng cao như dự kiến, ngay từ bây giờ các biện pháp kiềm chế, ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng phải được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Trước hết, là phải tăng cường và nâng cao hơn nữa ý thức tự phòng tránh, tự bảo vệ bản thân cũng như cộng đồng của tất cả người dân trên địa bàn, trong đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu để nhân dân học tập, làm theo. Tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh cho dù đã được tiêm chủng đầy đủ. Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K của ngành Y tế, nhất là việc đeo khẩu trang và không tụ tập đông người. Cảnh giác và quản lý chặt đối tượng nhập cảnh theo đúng quy định để đề phòng biến chủng mới Omicron có tốc độ lây lan nhanh xâm nhập vào địa bàn và lây lan ra cộng đồng...
Ý kiến ()