Góp phần phòng ngừa tệ nạn xã hội trong công nhân lao động
Thời gian qua, các cấp công đoàn của Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong đội ngũ CNLĐ; góp phần phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo ANTT, an toàn xã hội, duy trì hoạt động ổn định của doanh nghiệp.
Năm 2024, trên cơ sở kế hoạch tuyên truyền PBGDPL cho CNLĐ, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức 11 hội nghị tuyên truyền phòng chống ma tuý, tội phạm, mại dâm và tệ nạn xã hội cho hơn 2.000 CNLĐ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước. Đồng thời, chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng kế hoạch PBGDPL, chú trọng tuyên truyền về phòng chống ma tuý, tội phạm, mại dâm và tệ nạn xã hội tới cán bộ công đoàn, đoàn viên, CNLĐ.
Theo đó, LĐLĐ tỉnh đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh lựa chọn hình thức tuyên truyền PBGDPL phù hợp, thiết thực, hiệu quả; chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức hưởng ứng có sức lan tỏa sâu rộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, khuyến khích xã hội hóa trong thực hiện.
Thực hiện chỉ đạo, công đoàn các cấp trên địa bàn tập trung tổ chức đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật trực tiếp, lồng ghép trong các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, chính quyền, đoàn thể, người lao động ở cơ sở; thông qua các hội nghị, hội thảo; lồng ghép thực hiện trong các phong trào, chương trình, tư vấn pháp luật; tăng cường PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử thành phần, qua ứng dụng di động, mạng xã hội. Việc tuyên truyền cũng được tổ chức đa dạng, sinh động, linh hoạt phù hợp với đặc thù của mỗi doanh nghiệp, đơn vị và công việc, giờ giấc, sinh hoạt của CNVCLĐ; biên soạn, cấp phép tờ gấp pháp luật, tài liệu tuyên truyền về các quy định pháp luật…
Đơn cử, tại TP Móng Cái có đặc thù đa số CNLĐ trên địa bàn đều từ các tỉnh miền núi đến làm việc, thiếu nhiều thông tin về tội phạm, tác hại từ ma túy, với quan điểm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, ma túy từ xa, từ sớm để bảo vệ CNLĐ, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở và phối hợp chặt chẽ với các ngành công an, y tế, LĐ-TB&XH, phụ nữ... đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng chống ma túy về phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa trong CNLĐ.
Trong năm 2024, LĐLĐ thành phố đã phối hợp cùng các đơn vị tổ chức hội nghị tuyên truyền, cấp phát sổ tay, văn bản hướng dẫn về pháp luật lao động, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội tới CNLĐ. Qua đó, trang bị và góp phần nâng cao nhận thức cho CNLĐ về công tác phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư; xây dựng môi trường sống, làm việc lành mạnh.
Tại TP Hạ Long, năm 2024, LĐLĐ thành phố tổ chức 7 hội nghị phổ biến pháp luật lao động và BHXH, sức khỏe sinh sản, xét nghiệm miễn phí cho CNLĐ trong KCN; phổ biến, giáo dục, tư vấn pháp luật cho cán bộ CĐCS và CNLĐ; tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho CNLĐ trong phòng chống ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội…
Tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp đã lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong các hội nghị người lao động, hội nghị tập huấn, đối thoại với CNLĐ. Các nhóm zalo của doanh nghiệp, tổ sản xuất, dây chuyền sản xuất hoạt động hiệu quả trong công tác tuyên truyền với nhiều chủ đề, bằng các phương pháp tuyên truyền hiệu quả, phong phú, trang bị những kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của CNLĐ.
Hiện LĐLĐ tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo duy trì hoạt động của 345 tủ sách pháp luật tại cơ sở và cấp trên cơ sở, mỗi tủ có bình quân 110-150 đầu sách phục vụ CNVCLĐ. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng “Thư viện pháp luật điện tử” trên website của LĐLĐ tỉnh, nhằm tập hợp được nhiều văn bản pháp luật, để người lao động tra cứu nhanh nhất các thông tin, văn bản quy phạm pháp luật trong mọi lúc, mọi nơi.
Chú trọng tuyên truyền PBGDPL trong CNLĐ đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, xây dựng hình ảnh người công nhân văn hóa, có nếp sống lành mạnh; góp phần phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội; giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Ý kiến ()