Gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản
Ủy ban Châu Âu (EC) dự kiến có chuyến đến Việt Nam để kiểm tra việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định IUU, từ đó xem xét việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Để chuẩn bị đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định IUU, 28 tỉnh, thành phố ven biển, trong đó có Quảng Ninh đã và đang tích cực khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong chống khai thác IUU.
Ngày 23/10/2017, EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác IUU và đưa ra 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện để chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng”. Trong đó lỗi phổ biến đó là các tàu không có chứng nhận khai thác; nhiều tàu có hành vi khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài; thủy sản chưa chứng nhận về nguồn gốc, an toàn thực phẩm… Để kiểm tra kết quả thực hiện các khuyến nghị, phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018, tháng 11/2019 và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện gồm: Khung pháp lý; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; chứng nhận sản lượng, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác; thực thi pháp luật. Trong tháng 10/2022, đoàn kiểm tra của EC sẽ sang kiểm tra thực tế tình hình thực hiện các khuyến nghị tại Việt Nam, tập trung vào kiểm tra thực tế tại cảng cá ở các địa phương.
Để khắc phục những khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu trong khai thác thủy sản, cùng với nỗ lực chung của cả nước, Quảng Ninh đã và đang khắc phục những tồn tại, hạn chế mà EC đưa ra nhằm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”. Theo đó, tính đến ngày 30/9/2022, toàn tỉnh còn 6.415 tàu cá, trong đó tỷ lệ tàu từ 6m trở lên đã được đăng ký, cấp giấy phép khai thác đạt tỷ lệ ngày càng cao. 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (219 chiếc) đã lắp thiết bị giám sát hành trình, đồng thời đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản. 100% tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m (556 chiếc) đã ký cam kết an toàn thực phẩm. 4.771/4.771 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên đã cập nhật thông tin vào phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia. Trước mỗi chuyến đi biển, các chủ tàu đã ý thức việc khai đăng ký lịch trình đi và về bến với cơ quan chức năng. Đây là những quy định bắt buộc mà các tàu cá phải thực hiện để có thể xuất khẩu thủy sản vào thị trường châu Âu.
Tuy việc khắc phục những khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu trong khai thác thủy sản đã được Quảng Ninh triển khai, thực hiện có hiệu quả nhưng vẫn còn những cảnh báo quan trọng chưa đảm bảo điều kiện để gỡ “thẻ vàng”. Trong đó, Quảng Ninh vẫn còn số lượng tàu cá có kích thước và công suất nhỏ lớn; công tác đăng ký tàu cá và cấp giấy phép khai thác thuỷ sản đạt tỷ lệ thấp, đặc biệt là đội tàu dưới 12m. Còn tình trạng tàu cá từ 15m trở lên mất kết nối thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Số tàu cá và sản lượng khai thác được kiểm soát tại cảng còn thấp. Chưa có cảng cá được đầu tư xây dựng hoàn thiện và công bố theo quy định…
Để nhanh chóng cùng cả nước gỡ được “thẻ vàng” trong khai thác thuỷ sản, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phát mẫu, hướng dẫn trực tiếp thuyền trưởng, chủ tàu cá ghi chép, thu nhật ký khai thác thuỷ sản, báo cáo khai thác thuỷ sản, giám sát sản lượng thuỷ sản bốc dỡ qua cảng. Cùng với đó, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cũng được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả cũng chưa được như kỳ vọng. Quảng Ninh vẫn chưa có cảng cá chuyên dụng đủ điều kiện cho tàu cá vùng khơi cập cảng gây khó khăn cho công tác kiểm soát tàu cá tại cảng, cấp phát mẫu, thu hồi nhật ký khai thác thuỷ sản.
Khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu và nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”, khi đó tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Chính vì vậy, việc gỡ “thẻ vàng” thuỷ sản là điều kiện quan trọng để cả nước nói chung, Quảng Ninh nói riêng có thể xuất khẩu thủy hải sản khai thác vào châu Âu, khai thác hiệu quả thị trường đầy tiềm năng, giá trị lớn này.
Ý kiến ()