
Giữ vai trò định hướng dư luận xã hội
Ngày 21/6/1925 Báo Thanh Niên, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập xuất bản số đầu tiên, đánh dấu mốc cho sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. 94 năm qua gắn với những mốc son sáng chói của lịch sử cách mạng dân tộc, báo chí Cách mạng Việt Nam là một phần máu thịt của Đảng, của dân tộc, đất nước Việt Nam. Báo chí cách mạng Việt Nam đã tham gia chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam ngày 3/2/1930, huấn luyện cán bộ, cổ vũ nhân dân làm cao trào cách mạng, đấu tranh sắc bén trên mặt trận chính trị - tư tưởng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau chiến tranh, báo chí tham gia thực hiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới của đất nước. Ở mỗi giai đoạn của đất nước, của dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Đảng ta lãnh đạo đã thực sự giữ vai trò định hướng dư luận xã hội.
Đồng hành cùng sự phát triển của quốc gia, dân tộc, báo chí cách mạng Việt Nam thể hiện ngày càng rõ, càng thực chất vai trò diễn đàn nhân dân, đóng góp trí tuệ, hiến kế xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, là hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, tham gia quản lý xã hội, quản lý hệ thống chính trị của đất nước thông qua việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội.
Truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam là sự vững vàng về bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Những người làm báo cách mạng luôn dấn thân và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng, đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tự nguyện đi theo lý tưởng và con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
Trong xu thế toàn cầu hóa, báo chí hòa mình vào sự đổi mới, hội nhập của đất nước vừa góp phần đáng kể vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đóng góp vào việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới.
Luật Báo chí năm 2016, khẳng định: Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân.
Báo chí ngày hôm nay đang đứng trước rất nhiều thách thức. Đó là, xu hướng xã hội hóa thông tin, tìm kiếm thông tin ngày càng cá nhân hóa, hiểm họa tin giả, nguy cơ tụt hậu của báo chí nước ta trước sự phát triển rất nhanh của báo chí và truyền thông thế giới, biểu hiện mơ hồ về tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận người làm báo… Đặc biệt là báo chí đang bị đi sau mạng xã hội trong dẫn dắt thông tin, sự thiếu kiên quyết, thiếu chặt chẽ, đồng bộ của các cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước về thông tin đã tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch trà trộn thông tin vào mạng xã hội xuyên tạc, suy diễn ác ý, tác động tiêu cực đến xã hội, đến niềm tin của nhân dân với Đảng.
Giữ niềm tin của công chúng, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội trong kỷ nguyên công nghệ, của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 buộc báo chí phải đổi mới. Báo chí không thể chỉ đứng trong sự phát triển của báo chí truyền thống mà phải vượt lên, “tóm” được thông tin, làm chủ thông tin, đưa được tiếng nói của Đảng, của nhà nước, của nhân dân lên tất cả các diễn đàn xã hội, nắm giữ chắc vai trò định hướng dư luận của mình. Báo chí cách mạng Việt Nam phải tiếp tục giữ vững vai trò tiên phong về thông tin, tuyên truyền thành tựu của sự nghiệp đổi mới, sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tăng cường sự thống nhất về tư tưởng, hành động của cán bộ, đảng viên, niềm tin của các tầng lớp nhân dân.
Ngọc Lan
Ý kiến ()