Gìn giữ, bảo tồn “báu vật” Vịnh Hạ Long
Khi nhắc đến Quảng Ninh, du khách thường nghĩ ngay tới Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Bởi Vịnh Di sản đã trở thành thương hiệu riêng có, đặc sắc của Quảng Ninh với cảnh quan kỳ vĩ, độc đáo, non nước hữu tình mà hiếm nơi nào có được.
Với diện tích 1.553km2, Vịnh Hạ Long là nơi hội tụ của gần 2.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên cảnh quan kỳ vĩ, ảo diệu, tuyệt đẹp, hoà quyện giữa đá và nước làm mê hoặc, đắm say lòng người. Trong đó phải kể đến Hòn Trống Mái (Gà Chọi), Đỉnh Hương, Con Cóc..., cùng hàng trăm hang động với cảnh sắc vô cùng huyền ảo như: Sửng Sốt, Thiên Cung, Đầu Gỗ, Bồ Nâu, Mê Cung, Luồn...
Với sự kỳ vĩ, riêng có, độc đáo về nước non, hang động, sự đặc sắc về cảnh quan, địa chất, địa mạo có một không hai, Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới về giá trị ngoại hạng toàn cầu về mặt thẩm mỹ và giá trị địa chất - địa mạo. Không chỉ vậy, “báu vật” của Quảng Ninh còn được Tổ chức New Open World trao tặng danh hiệu Kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Bị mê hoặc trước cảnh sắc của Vịnh Hạ Long, bà Katherine Muller, nguyên Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam từng chia sẻ: “Vịnh Hạ Long là “báu vật” mà thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam mà cụ thể là tỉnh Quảng Ninh. Các bạn phải rất tự hào vì mình có một di sản đẹp diệu kỳ có một không hai này. Nhưng, sở hữu một tài sản vô giá như Vịnh Hạ Long, đồng nghĩa với các bạn phải có trọng trách là làm tốt công tác bảo tồn, đặc biệt là vấn đề bảo vệ môi trường trong thời kỳ Quảng Ninh đang công nghiệp hoá, hiện đại hoá một cách mạnh mẽ”.
Xác định rõ nhiệm vụ bảo vệ “báu vật”, suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh đã vào cuộc tích cực nhằm gìn giữ di sản. Trong đó có việc nghiêm cấm chuyển tải clinker, xi măng... trên vịnh; di chuyển các hoạt động bóc rót than gây ảnh hưởng môi trường biển; di dời hộ ngư dân đang sinh sống trên Vịnh Hạ Long lên bờ; xoá phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản trên vịnh...
Mới đây, nhằm hạn chế những tác động của du lịch ảnh hưởng đến di sản, Quảng Ninh công bố 4 vùng được phép tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trên Vịnh Hạ Long gồm: Khu vực hang Luồn, làng chài Cửa Vạn, hồ Động Tiên - hang Trinh Nữ và khu vực Cống Đỏ. Đơn vị khai thác là Ban Quản lý Vịnh Hạ Long. Quá trình khai thác đảm bảo các phương án về an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường... Việc công bố các vùng vui chơi giải trí trên Vịnh Hạ Long giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ - du lịch dưới nước như chèo thuyền kayak, đò tay... trên vịnh từ nhiều năm nay, nhằm bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của di sản.
Quảng Ninh cũng sớm nhận diện những tác động tiêu cực của môi trường tự nhiên, thời tiết, cũng như những tác động của quá trình địa chất ảnh hưởng đến một số đảo đá trên Vịnh Hạ Long. Trong đó, theo ghi nhận thời gian qua đã có hiện tượng sạt trượt tại một số đảo đá vôi. Tuy mức độ không lớn nhưng đây là lời cảnh báo trong công tác gìn giữ, bảo tồn những giá trị địa chất, địa mạo, cảnh quan của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Nhận thức rõ giá trị của “báu vật” Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã và đang chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản. Một trong những nhiệm vụ đó là nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài Nguyên - Môi trường là đơn vị chủ trì.
Từ việc nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất những giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái nói riêng, các đảo đá trên Vịnh Hạ Long nói chung, qua đó phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, gìn giữ giá trị di sản.
Quá trình bảo tồn, gìn giữ “báu vật” Vịnh Hạ Long không chỉ ngày một ngày hai mà hành trình lâu dài, mãi mãi, bền bỉ. Làm tốt điều này là chúng ta đang gìn giữ “báu vật” cho muôn đời sau.
Ý kiến ()