Giáo dục lịch sử địa phương ở ngành Giáo dục TP Hạ Long
Giáo dục lịch sử, văn hóa trong chương trình giáo dục địa phương là một nội dung hay và nhiều ý nghĩa đang được ngành giáo dục TP Hạ Long triển khai một cách linh hoạt, sáng tạo, mang lại nhiều hiệu quả.
Đầu tháng 12/2024, chúng tôi tham gia một buổi thực tế tại Bảo tàng Quảng Ninh trong chương trình giáo dục địa phương của thầy trò Trường TH&THCS Minh Khai (phường Hà Phong, TP Hạ Long). Chương trình tích hợp với môn mỹ thuật lớp 4, bài học về Trang phục lễ hội các dân tộc. Các em rất hào hứng tham quan thực tế Bảo tàng Quảng Ninh, tự ghi chép, tổng hợp thông tin về trang phục lễ hội, rồi trình bày và mô phỏng, thiết kế lại trang phục bằng đất màu, màu vẽ.
Theo thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, thì tiết học không chỉ rèn khả năng, kỹ năng thu thập, tiếp nhận mà còn là cách xử lý, sáng tạo thông tin bằng hoạt động cụ thể. Hình thức giáo dục này được trường áp dụng, không chỉ giúp các em nhớ lâu, tư duy tích cực mà còn góp phần thực hiện tốt chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh.
“Không chỉ đánh giá, nhân rộng, ngành giáo dục TP Hạ Long còn vận dụng, có nhiều cách làm triển khai giáo dục địa phương hiệu quả, thiết thực, nâng cao khả năng tiếp thu của học sinh, đáp ứng yêu cầu chương trình đổi mới giáo dục" - cô Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Phòng GD&ĐT TP Hạ Long, cho biết.
Giáo dục địa phương là chương trình bắt buộc của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 mà mỗi tỉnh phải xây dựng và đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đặc biệt, Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Nhờ đó, ngành Giáo dục TP Hạ Long đã tích hợp các nội dung lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh vào giáo dục địa phương. Đây là nội dung được giảng dạy trong các tiết học hằng tuần. Theo đó, ngay sau chủ đề công tác năm 2024, Phòng GD&ĐT thành phố đã có định hướng, hướng dẫn cụ thể bằng văn bản xuống các trường; tổ chức các chương trình tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của 43 trường công lập và ngoài công lập có khối tiểu học và 40 trường có khối THCS.
Một điểm thuận lợi là năm 2024 là năm đầu thực hiện giáo dục địa phương và cũng là năm thứ 5 thực hiện Chương trình đổi mới giáo dục. Đồng thời, ngành giáo dục Hạ Long cũng chủ động đi tiên phong trong chuyển đổi số, trang sắm cơ sở vật chất về giáo dục, các thiết bị dạy học hiện đại. Vì thế, các giáo viên đã có kỹ năng cơ bản, thiết bị cần thiết... để triển khai tốt chương trình này.
Không chỉ thế, ngành Giáo dục Hạ Long còn quán triệt nâng cao yêu cầu "Học đi đôi với trải nghiệm", mở rộng không gian học tập, để học sinh tiếp cận thực tế. Vì thế, nhiều trường tùy vào điều kiện, đã có cách vận dụng sáng tạo, linh hoạt, khai thác ngay những giá trị lịch sử văn hóa của địa phương.
Đơn cử, Trường TH&THCS Bằng Cả giáo dục lịch sử văn hóa bằng việc cho học sinh tham gia học hỏi, tìm hiểu từ các nghệ nhân ở CLB đan thêu thổ cẩm, tham gia lễ hội làng của người Dao Thanh Y và tham gia tiết học tại thư viện ở Khu bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y trên địa bàn xã. Trường TH&THCS Kỳ Thượng xây dựng chương trình ngày mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ hai, thứ sáu hằng tuần, lấy đó làm điều kiện để triển khai chương trình giáo dục địa phương gắn chặt với đặc trưng văn hóa về trang phục, văn hóa lễ hội.
Tương tự, không ít những tiết học gắn với đặc thù văn hóa, lịch sử và các nguồn học liệu sinh động ở địa phương. Tiêu biểu như: Tiểu học Hà Lầm và Minh Hà có những tiết học giáo dục lịch sử văn hóa gắn với thăm khai trường khai thác than, giáo dục định hướng nghề nghiệp gắn với các cuộc trò chuyện, tọa đàm với thợ mỏ than Hà Tu. Đồng thời với đó là các chương trình phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội trải nghiệm "Một ngày làm quân nhân".
Ý kiến ()