
Giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của nhân dân
Thời gian qua, công tác tiếp công dân từ tỉnh đến cơ sở đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều đồng chí bí thư cấp ủy đã chủ động dành thời gian trực tiếp tiếp công dân, lắng nghe dân, đối thoại với dân; nghe và chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các kiến nghị, khiếu nại của công dân. Đặc biệt ở những địa phương thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch UBND cùng cấp thì việc tiếp công dân của bí thư cấp ủy được thực hiện trực tiếp, đều đặn, hiệu quả.
Với vai trò là người đứng đầu, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; thường xuyên tổ chức nghe các địa phương và các sở, ban, ngành báo cáo những vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, những vụ việc còn nhiều vướng mắc để kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Nhiều vụ việc đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp xuống địa bàn xem xét thực địa và tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân nhằm đạt kết quả cao nhất. Điển hình như vụ việc của ông Lê Văn Năng, trú tại xóm Đình 2, xã Liên Vị, TX Quảng Yên đề nghị được hỗ trợ tiền sửa chữa, xây mới nhà ở đối với gia đình người có công với cách mạng (là bố liệt sĩ); vụ việc ông Nguyễn Quang Hải cùng đại diện các hộ dân 3 lô 6, 7, 8 khu chung cư 5 tầng phố Mới, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long, liên quan giá bồi thường, thiết kế căn hộ, diện tích; vụ việc ông Nguyễn Hữu Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty TNHH Thu Hiền khiếu nại về chủ trương tạm dừng hoạt động khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả)… Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đối thoại với các hộ dân này giao cho các cơ quan chức năng rà soát quy trình giải quyết để đảm bảo đúng quy định của pháp luật cũng như quyền lợi chính đáng, tạo sự phấn khởi, đồng thuận ủng hộ của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại trên địa bàn tỉnh cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Việc phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của một số cơ quan, đơn vị chưa đúng quy định; có vụ việc giải quyết chưa kịp thời, chưa đúng trình tự, thủ tục nên công dân khiếu kiện nhiều lần. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về tiếp công dân, giải quyêt khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật. …
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian tới đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nhất là Luật tố cáo năm 2018 cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra đối với người đứng đầu cấp ủy, UBND các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp công dân theo quy định; chỉ đạo giải quyết đúng chính sách, pháp luật các vụ việc khiếu kiện ngay tại cơ sở; thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo…
Đặc biệt, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 1717-QĐ/TU về việc thực hiện Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân”.
Theo đó, người đứng đầu cấp ủy các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, KNTC của dân; thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, KNTC của dân theo Quy định số 11-QĐi/TW và các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước có liên quan.
Việc tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, KNTC của dân của người đứng đầu cấp ủy các cấp phải đảm bảo dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; trình tự, thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; bảo mật thông tin, bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại theo quy định.
Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, huyện tiếp công dân định kỳ vào ngày 15 hằng tháng tại trụ sở tiếp công dân; cùng tiếp công dân với chủ tịch UBND cùng cấp và thủ trưởng cơ quan cùng cấp liên quan theo quy định. Người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân định kỳ vào ngày thứ 5 hằng tuần (một tháng 2 lần) đảm bảo phù hợp với thời gian tiếp dân của chủ tịch UBND cùng cấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 8383/UBND-TD ngày 9/11/2018. Trường hợp lịch tiếp dân định kỳ trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì tổ chức tiếp dân vào ngày làm việc tiếp theo.
Tiếp công dân là hoạt động ý nghĩa và có vai trò quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được thực hiện hiệu quả; quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường ngay từ cơ sở.
Thông qua hoạt động tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy sẽ tăng cường thêm mối quan hệ đặc biệt giữa Đảng với nhân dân. Đặc biệt, tại Quảng Ninh, sự chủ động, nhanh chóng vào cuộc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Quy định số 11 đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần hướng về cơ sở, gần dân, giải quyết công việc của dân đảm bảo thấu tình, hợp lý.
Nguyễn Tuấn Điệp
Ý kiến ()