Giải bài toán thiếu hụt về nhân lực bác sĩ
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm, coi trọng việc đầu tư phát triển ngành y tế để từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhờ đó, y tế Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ, thu được những thành quả to lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tỉnh, được các cấp, các ngành và nhân dân ghi nhận.
Hiện nay, cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế được đầu tư hiện đại; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 14,8 (cao gần 2 lần so với trung bình toàn quốc); tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân đạt 56,4; từng bước đáp ứng y tế phổ cập và y tế chuyên sâu. Cán bộ y tế làm chủ các kỹ thuật cao, kỹ thuật khó của tuyến trên (tỷ lệ chuyển tuyến trung ương chỉ dưới 1%). Tuổi thọ bình quân người dân đạt 74,1; kiểm soát tốt các bệnh dịch nguy hiểm; an toàn vệ sinh thực phẩm được đảm bảo; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%... Cơ cấu nhân lực ngành y tế từng bước được điều chỉnh phù hợp và chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao; các chế độ chính sách đối với cán bộ y tế được thực hiện theo các quy định của Nhà nước và của tỉnh.
Tuy vậy, ngành y tế Quảng Ninh đang đối mặt với sự thiếu hụt về nhân lực bác sĩ và chuyên gia giỏi. Chỉ từ năm 2019 đến năm 2022 đã có 250 bác sĩ nghỉ thôi việc hoặc chuyển công tác ra ngoại tỉnh; riêng năm 2022 có 71 bác sĩ nghỉ thôi việc, chuyển công tác không làm việc trong hệ thống y tế công lập tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 2021 đến năm 2025 có 143 cán bộ y tế nghỉ hưu, trong đó có nhiều bác sĩ là cán bộ lãnh đạo các đơn vị, lãnh đạo các khoa, phòng đã được đào tạo sau đại học, có kinh nghiệm công tác... sẽ tạo ra khoảng trống về chuyên môn nhất là ở các đơn vị y tế tuyến huyện và tuyến xã. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăm sóc sức khỏe của nhân dân của ngành y tế.
Cùng với đó, phân bố bác sĩ hiện có của ngành y tế không đồng đều giữa các vùng trong tỉnh và giữa các tuyến đơn vị y tế. Phần lớn số bác sĩ đều tập trung tại các đơn vị y tế tuyến tỉnh hoặc khu vực thành thị có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Trong tổng số 1.986 bác sĩ trên toàn tỉnh, có tới 51% bác sĩ đang làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh; 35,2% bác sĩ làm việc tại các đơn vị y tế tuyến huyện; chỉ có 7,5% bác sĩ làm việc tại trạm y tế tuyến xã. Hiện còn 35/177 trạm y tế xã, trong đó có nhiều xã miền núi, hải đảo như Ngọc Vừng, Thắng Lợi, Bản Sen, Hoành Mô, Đạp Thanh... chưa có bác sĩ làm việc.
Trong những năm tới, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện thì nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân cũng đòi hỏi ngày càng cao hơn và mong muốn được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng để sàng lọc, phát hiện, điều trị sớm bệnh, tật. Khi thiếu hụt nhân lực bác sĩ ở các đơn vị y tế, hệ thống y tế Quảng Ninh sẽ gặp nhiều trở ngại trong thực hiện nhiệm vụ y tế phổ cập (y tế dự phòng, y tế cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, dân số phát triển...), chất lượng cung cấp dịch vụ sẽ không bảo đảm và người bệnh sẽ là đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng, tác động đến chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Đến năm 2025 cần đạt >15,0 bác sĩ/10.000 dân (cần khoảng 2.300 bác sĩ, hiện nay, toàn tỉnh mới có 1.988 bác sĩ, thiếu khoảng 300 người). Do đó, ngành y tế Quảng Ninh cần sớm bổ sung số lượng lớn bác sĩ so với hiện nay để bù đắp số bác sĩ còn thiếu (đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở) và bù đắp số bác sĩ sẽ nghỉ hưu theo chế độ đến năm 2025. Các đơn vị y tế tuyến cuối của tỉnh như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Sản Nhi và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, Uông Bí cũng đang thiếu chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực theo định hướng phát triển của ngành y tế Quảng Ninh, rất cần được bổ sung nhân lực bác sĩ đã được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành: Ung bướu, huyết học truyền máu, phẫu thuật thần kinh, di truyền - giải trình tự gen...
Để giải quyết trình trạng thiếu hụt nhân lực ngành y tế, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp nhằm tăng sức hấp dẫn của các cơ sở y tế công lập về chế độ tiền lương, hỗ trợ đào tạo, đãi ngộ và môi trường làm việc tốt... Sắp tới đây, HĐND tỉnh sẽ thảo luận, ban hành chính sách nhằm thu hút và hỗ trợ đặc thù đối với nhân lực bác sĩ. Trong đó, có các chính sách nhằm thu hút nhân lực bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị y tế công lập thuộc tỉnh; thực hiện luân phiên bác sĩ từ tuyến trên xuống tuyến dưới làm việc. Qua đó, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực bác sĩ hiện có của ngành y tế Quảng Ninh và từng bước phát triển bền vững nguồn nhân lực bác sĩ cơ hữu tại các đơn vị y tế. Đồng thời, đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống y tế công lập của tỉnh Quảng Ninh hiện tại cũng như trong tương lai, đáp ứng xu hướng phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh trong tình hình mới.
Ý kiến ()