Gia tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp
Cùng với nhiều giải pháp triển khai trong lĩnh vực nông nghiệp, các quy định mới trong Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng đem lại tác động lớn, tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo hướng ổn định, bền vững.
Được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ V, Quốc hội khóa XV, Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần (Luật Đất đai 2013 quy định không quá 10 lần) hạn mức giao đất tại địa phương. Đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả; bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa; được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, để gia tăng hiệu quả sử dụng đất, Luật Đất đai cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật. Điều này giúp tối ưu hóa giá trị đất đai, tạo đà phát triển cho nông dân và doanh nghiệp.
Các quy định là cơ sở để xây dựng các chính sách ngăn chặn tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất để xây dựng vùng nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; đồng thời việc sử dụng đa mục đích đất góp phần gia tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất.
Ông Hoàng Văn Sằn, chủ homestay Hoàng Sằn (huyện Bình Liêu) cho biết: Việc kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái là hướng đi bền vững. Với quy định mới, người nông dân có thể tận dụng tốt hơn diện tích đất hiện có, xây dựng mô hình du lịch sinh thái thêm đẹp, hấp dẫn hơn. Đất đai vẫn được sử dụng cho nông nghiệp mà người dân lại có điều kiện phát triển dịch vụ, nâng cao giá trị sản xuất…
Quảng Ninh có 10% diện tích đất nông nghiệp, 38% đất có rừng, 43,8% diện tích chưa sử dụng ở vùng miền núi và ven biển, còn lại là đất chuyên dùng và đất ở. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành theo hướng hiện đại, gia tăng giá trị, phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng sản xuất tập trung, hữu cơ, tuần hoàn, giảm thải khí nhà kính, coi trọng việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên trong sản xuất. Năm 2024, kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục có bước phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, quy mô sản xuất hàng hóa lớn, tăng cường ứng dụng công nghệ cao.
Các vùng sản xuất tập trung (lúa chất lượng cao; hoa, cây cảnh; rau an toàn; cây ăn quả; cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ…) tiếp tục được xây dựng, phát triển theo chuỗi giá trị, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải; hình thành, duy trì các khu vực trồng trọt hữu cơ (lúa hữu cơ, chè hữu cơ); chất lượng sản phẩm được nâng cao, có chỗ đứng ổn định trên thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cây lúa, rau, cây ăn quả, với diện tích khoảng 6.358ha (tương ứng với hơn 10.900ha diện tích trồng trọt); khoảng 1.100ha cây trồng duy trì sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, trong đó có 322,35ha diện tích đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP; có 90 ha lúa và 329ha quế (với sản lượng khoảng 479 tấn/năm) được cấp giấy chứng nhận sản xuất hữu cơ. Diện tích nhà lưới, nhà kính, nhà màng đạt trên 19ha. Tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác đạt trên 80%; trong đó, máy làm đất phục vụ sản xuất lúa được gần 100% diện tích; đối với vùng sản xuất tập trung, máy gặt đập liên hợp đảm nhận 100% diện tích; máy tuốt, xay, xát lúa đáp ứng 100% diện tích. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất sản xuất trồng trọt ước đạt trên 100 triệu đồng/ha, tăng khoảng 3 triệu đồng/ha so với năm 2023... Chăn nuôi, thủy sản có bước chuyển biến rõ nét, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi trang trại, áp dụng khoa học công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã tích cực đầu tư sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã trong kết nối các nhu cầu về hợp tác sản xuất, cung ứng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức lại không gian nuôi trồng thủy sản với mục tiêu đẩy mạnh nuôi biển, phát huy lợi thế vùng, liên vùng. Giai đoạn 2021-2024, tăng trưởng GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3,8%/năm (đạt mục tiêu phấn đấu đề ra 3,2%/năm). Kiên định mục tiêu đề ra, Quảng Ninh hướng đến phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Ý kiến ()