Giá hàng hoá tiêu dùng vẫn cao
Câu chuyện giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng cao ngay sau khi giá xăng, dầu tăng, còn khi xăng, dầu giảm giá mạnh thì các mặt hàng thiết yếu giảm từ từ đang nhận được sự quan tâm của người dân suốt thời gian qua. Việc tăng giá thì rất nhanh, nhưng khi điều chỉnh giảm lại rất chậm khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn.
Sau 5 lần điều chỉnh giảm liên tiếp từ cuối tháng 6 đến nay, mức giá xăng, dầu hiện nay đã giảm về mức tương đương với thời điểm tháng 10/2021. Ở lần giảm giá gần đây nhất 11/8, mỗi lít xăng giảm thêm hơn 900 đồng, dầu cũng hạ 1.000-1.210 đồng (trừ dầu mazut).
Cụ thể mỗi lít xăng RON 95-III giảm về mức 24.660 đồng (giảm 940 đồng); E5 RON 92 có giá mới là 23.720 đồng (giảm 900 đồng). Cùng với đó, các mặt hàng dầu cũng hạ nhiệt, giá dầu diesel giảm 1.000 đồng một lít, về mức giá 22.900 đồng; dầu hoả cũng hạ thêm 1.210 đồng, về còn 23.320 đồng mỗi lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên giá bán: 16.540 đồng một kg.
Là mặt hàng đầu vào quan trọng của cả nền kinh tế, xăng, dầu được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo điều hành linh hoạt. Quyết định giảm thuế, chấp nhận giảm thu ngân sách trong suốt thời gian qua đã góp phần hạ nhiệt giá xăng, dầu tạo điều kiện bình ổn giá, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp và cả nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, mặc dù giá xăng, dầu đã giảm mạnh, thế nhưng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu như lương thực, thực phẩm, cước vận tải hành khách, vận tải hàng hoá vẫn chưa giảm nhiều, thậm chí nhiều loại hàng hoá, dịch vụ trên thị trường vẫn còn ở mức cao, đội giá vô lý, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân...
Qua khảo sát tại một số chợ truyền thống, chỉ có mặt hàng trứng, rau xanh, tôm tươi giảm nhẹ, trong khi đó vẫn còn rất nhiều mặt hàng ở mức cao như mực tươi, thịt gà, cá…, đặc biệt giá thịt lợn có xu hướng tăng những ngày qua...
Trước thực trạng giá hàng hoá tiêu dùng giảm chậm trong khi giá các mặt hàng xăng, dầu giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương tăng cường chỉ đạo điều hành giá, đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý; kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm ổn định thị trường giá cả, ngành Công Thương Quảng Ninh đã yêu cầu các hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp từng bước bình ổn thị trường. Các đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý. Ngành Công Thương cũng đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp, nhà cung ứng tiếp tục rà soát các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán hàng hoá khi đến tay người tiêu dùng, nỗ lực giảm giá các mặt hàng tiêu dùng, thiết yếu liên quan đến giá xăng, dầu.
Giá xăng, dầu tăng – giảm luôn tác động trực tiếp đến giá hàng hoá tiêu dùng, thiết yếu và cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế hiện nay, giá xăng, dầu đã giảm mạnh, nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức cao, chắc chắn trách nhiệm thuộc về những đơn vị, cơ quan quản lý nhà nước. Và nếu không bình ổn được thị trường, thì chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát sẽ bị tác động tiêu cực.
Ý kiến ()