
Gia đình không rác thải nhựa
Cuối tuần, cậu bạn thời cấp 3 mời sang nhà tổ chức một bữa tiếc nho nhỏ ăn Tết Vu Lan. Mấy bà vợ rủ nhau đi chợ mang về cũng chỉ là những món thường ngày của người dân xứ biển Hạ Long, như một chút hà, tôm, cá, thịt lợn, gà, cua xay, vài loại rau, 3 túi cá muối... Bữa cơm được mọi người cùng nhau nấu tươm tất và thưởng thức vui vẻ. Sau bữa ăn là cả một “bãi chiến trường”, một phần trong đó là thùng rác đủ thứ với rất nhiều túi nilon.
Nhìn vào thùng rác đầy ặc túi nilon, anh bạn tôi bảo, mỗi thứ mua ở chợ về luôn kèm theo 1 đến 2 chiếc túi nilon to, nhỏ. Chỉ đơn cử mua một chút hà về nấu canh, người bán hàng cho hà vào túi buộc lại, rồi cho tiếp vào một túi khác để người mua xách cho đỡ bẩn tay. Mặt hàng nào cũng vậy, ít thì 1 chiếc túi nilon, nhiều thì 2-3 cái. Như hôm nay đi chợ, chắc chắn rằng không dưới 20 chiếc túi nilon được đựng các món ăn mang từ chợ về nhà. Vì tính tiện dụng, lại miễn phí nên mua thứ gì cũng liên quan đến túi nilon. Giờ đây, nhà nào cũng vậy, mỗi lần đi chợ là mang về gần chục chiếc túi nilon. Tất cả đều được vứt ra cùng với rác thải sinh hoạt sau đó đem đi chôn lấp, mà không được phân loại để có thể tái sử dụng lần sau.
Cậu chuyện ở nhà anh bạn tôi có lẽ cũng là tình trạng chung của hầu hết các gia đình Việt Nam. Có lẽ, những thứ như túi bóng, chai, cốc, ống hút, thìa… nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng quen thuộc đối với mỗi gia đình bởi tính tiện lợi, chi phí thấp hoặc miễn phí của nó. Cũng chính vì sự tiện dụng này, cùng với sự dễ dãi trong sử dụng mà thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang lâm vào cảnh ô nhiễm nặng nề rác thải nhựa.
Những con số thống kê khiến mỗi chúng ta không khỏi giật mình, lo lắng, khi trên thế giới, cứ mỗi phút có 1 triệu chai nhựa được bán ra, mỗi năm 5.000 tỷ túi nilon được tiêu thụ. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa đổ ra, trôi nổi trên các đại dương.
Việt Nam xếp thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác thải nhựa lớn trên thế giới. Mỗi ngày, cả nước có hàng triệu túi nilon được thải ra môi trường. Việt Nam cũng được nhận định là một trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Ở Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng. Người Việt Nam thải gần 18.000 tấn rác thải nhựa mỗi ngày.
Một chiếc túi nylon chỉ mất 5 giây để sản xuất, chỉ sử dụng trong 5 phút nhưng phải mất đến 500 năm để phân hủy. Mỗi một sản phẩm từ nhựa cần từ 20-1.000 năm để có thể phân hủy hoàn toàn.
Với Quảng Ninh, hiện mỗi ngày tổng lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là gần 1.200 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm tỷ lệ rất lớn. Một trong những tác hại của rác thải đã hiện hữu đó là ảnh hưởng nặng nề đến môi trường Vịnh Hạ Long. Hiện mỗi ngày rác được thu gom trên Vịnh đạt từ 6-7 tấn, chủ yếu là túi nilon, chai, cốc nhựa, hộp nhựa, ống hút, thùng xốp, rác thải sinh hoạt… Trong đó, một phần rất lớn là từ trên bờ xả xuống.
Thời gian qua, nhiều phong trào “Nói không với rác thải nhựa” được doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, người dân hưởng ứng nhiệt tình trên toàn quốc. Đây quả là một tín hiệu vui trong công tác bảo vệ môi trường. Như ở Hạ Long, các bệnh viện, trung tâm thương mại, siêu thị đã cùng chung tay chống rác thải nhựa. Hay tại Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, sau thời gian thí điểm 01 tháng, bắt đầu từ 1/9, các dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long sẽ nói không với túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.
Thế nhưng, để hạn chế rác thải nhựa, ngoài quyết tâm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể thì rất cần sự vào cuộc của mỗi gia đình, mỗi người dân. Chung tay làm trong lành môi trường chính là chúng ta đang bảo vệ cuộc sống của chính mình.
Thái Bình
Ý kiến ()