
Đừng làm méo mó hình ảnh du lịch
Du lịch Việt Nam vừa nhận tin vui khi đón gần 9,8 triệu lượt du khách quốc tế đến tham quan trong 7 tháng đầu năm, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là con số kỷ lục tính đến thời điểm này, cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp không khói nước ta. Vậy mà “niềm vui chẳng tày gang”, những ngày qua dư luận cả nước đều thất vọng về hành động của người lái xích lô ở TP Hồ Chí Minh khi thu 2,9 triệu đồng của một du khách Nhật Bản cho chặng đường vài trăm mét với thời gian di chuyển chưa đầy 5 phút.
Câu chuyện xảy ra với ông Oki Toshiyuki (83 tuổi) đến từ Nhật Bản. Du khách này đi từ chợ Bến Thành đến khách sạn Liberty Central Saigon Riverside (đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1). Khi đến nơi, ông gửi người lái xích lô là Phạm Văn Dũng (49 tuổi, trú tại quận 4, TP Hồ Chí Minh) 500 nghìn đồng. Tuy nhiên, anh Dũng không đồng ý nhận 500 nghìn đồng, mà tỏ ý đòi thêm tiền. Ông Oki cũng đồng ý, nhưng chưa kịp lấy thêm tiền thì anh Dũng thò tay vào ví lấy hết 4 tờ 500 nghìn đồng, 2 tờ 200 nghìn đồng rồi bỏ đi.
Sau khi dư luận xã hội lên án về hành động xấu của người lái xích lô, lực lượng chức năng đã vào cuộc. Qua điều tra, Công an quận 1 TP Hồ Chí Minh đã tạm giữ hình sự người lái xích lô Phạm Văn Dũng để điều tra về hành vi “cướp giật tài sản”. Bước đầu, anh Dũng thừa nhận việc chiếm đoạt 2,9 triệu đồng từ du khách Oki.
Trước sự việc đáng tiếc trên, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã gặp người nhà ông Oki bày tỏ sự đáng tiếc khi việc này xảy ra và trao tặng cặp vé khứ hồi Việt Nam – Nhật Bản, mong ông cùng người thân sớm quay lại Việt Nam tham quan. Đồng thời, gửi thư xin lỗi của người lái xích lô Phạm Văn Dũng đến ông Oki, mong ông cùng gia đình chấp nhận lời xin lỗi.
Một điều không khỏi chạnh lòng là không những ông Oki chấp nhận lời xin lỗi, mong muốn người lái xích lô nhận ra vụ việc, mà còn hoàn toàn không muốn đòi lại số tiền của mình bị lấy đi, đồng thời luôn nhận lỗi về phần mình khi trước khi đi xe đã không hỏi giá trước.
Vụ việc người lái xích lô “chặt chém” du khách Nhật rồi sẽ bị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng hành động, ứng xử của du khách này khiến mỗi chúng ta không khỏi cảm thấy hổ thẹn. Tuy rằng, những trường hợp như người lái xích lô trên chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lại những tồn tại, hạn chế, những gì còn thiếu sót, không đẹp để thay đổi, chỉnh sửa để ngành Du lịch Việt Nam phát triển một cách bền vững. Nhiều người cho rằng, chính những “hạt sạn” đã làm cho hình ảnh du lịch nước ta méo mó, khiến rất nhiều du khách đã một đi không trở lại.
Những “con sâu làm rầu nồi canh” cần phải được “bắt”, xử lý nghiêm để tạo ra một môi trường du lịch trong lành, lành mạnh, chuyên nghiệp, thân thiện. Điều này đã được các cấp, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Thực tế thì đã có rất nhiều việc làm, hành động đẹp được người dân thực hiện, nhận được sự cảm kích, mến phục của du khách. Như ở Quảng Ninh, mỗi năm có hàng chục hành động đẹp của nhân viên du lịch, công chức, viên chức, như trả lại ví, túi tiền, điện thoại… cho người bị đánh mất. Có những tài sản lên tới gần nửa tỷ đồng được trao trả đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người dân, du khách.
Mỗi chúng ta hãy cùng nhau xây dựng hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam từ những hành động, việc làm, ứng xử nhỏ nhất. Có như vậy, mỗi địa phương, mỗi khu du lịch mới trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, mến khách, văn minh, tạo ấn tượng đẹp cho du khách gần xa, để mỗi khi đến tham quan, họ lại mong một ngày sớm trở lại.
Thái Bình
Ý kiến ()