Đừng để tái diễn bệnh thành tích
Theo thống kê, tỷ lệ học sinh phổ thông có học lực yếu, kém ở cả 3 cấp học đều có tỷ lệ cao (tiểu học 5,7%; THCS 16,9%; THPT 23,16%). ở Quảng Ninh, qua khảo sát, tỷ lệ này tuy có thấp hơn so với mức trung bình cả nước nhưng vẫn ở mức khá cao, trong đó tiểu học là 4,7%;THCS là 8,97% và THPT là 21,66%. Thực chất là như vậy nhưng thật trớ trêu tỷ lệ học sinh lên lớp, tốt nghiệp các cấp học hàng năm ở các địa phương vẫn cao ngất ngưởng, nhiều nơi đạt 100%. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ngồi nhầm lớp” của nhiều học sinh, và tỷ lệ học sinh bỏ học do không theo kịp chương trình diễn ra khá phổ biến.
Để khắc phục hậu quả của căn bệnh thành tích, vừa qua, ngành Giáo dục tỉnh đã tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn các biện pháp giúp đỡ học sinh yếu, kém. Một trong những giải pháp được đưa ra là tăng cường phụ đạo cho học sinh, kể cả trong dịp hè. Song, theo ý kiến của nhiều giáo viên và phụ huynh, giải pháp này cũng chỉ mang tính tình thế, “chữa cháy” mà thôi. Với những học sinh lượng kiến thức bị thiếu hụt ít giải pháp này có thể mang lại hiệu quả. Nhưng với những học sinh “ngồi nhầm” đến vài lớp, kiến thức quá rỗng thì có phụ đạo, nhồi nhét đến mấy cũng khó có tác dụng. Do đó để giải quyết một cách căn bản, tận gốc rễ thì phải phân loại thật chuẩn xác số học sinh yếu, kém để có lộ trình, phương pháp phù hợp. Mục tiêu của ngành Giáo dục là đến hết năm học 2008-2009 sẽ cơ bản giải quyết xong tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”. Việc đặt ra mục tiêu và quyết tâm này là điều đáng hoan nghênh, thể hiện trách nhiệm của ngành Giáo dục. Tuy nhiên, nếu máy móc căn cứ vào mốc thời gian này không khéo lại vẫn mắc phải căn bệnh thành tích. Vì vậy để giải quyết dứt điểm số học sinh yếu, kém và ngồi nhầm lớp thì dù phải tốn kém, vất vả, kéo dài thời gian hơn cũng vẫn phải quyết tâm làm. Điều mà cả xã hội đang mong chờ là chất lượng thực, chứ không phải là tiến độ, thời gian…
Ý kiến ()