
“Du lịch vùng vịnh Bái Tử Long cần tạo được sự khác biệt…”
Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long nằm liền kề nhau nhưng sự phát triển du lịch của 2 vùng vịnh này những năm qua đã có nhiều khác biệt. Nếu như Vịnh Hạ Long đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thế giới thì du lịch vùng vịnh Bái Tử Long mới bắt đầu đi những bước đầu tiên. Giờ đây, với cơ hội phát triển du lịch vùng vịnh Bái Tử Long đang mở rộng, nhiều doanh nghiệp cũng nắm bắt thời cơ để đầu tư.
Cuộc trao đổi của phóng viên với ông Lê Việt Đức (ảnh), Giám đốc điều hành Công ty Du thuyền Bhaya Hạ Long, bên lề Hội nghị phát triển du lịch vịnh Bái Tử Long diễn ra tại Vân Đồn vào cuối tháng 3 vừa qua, cho chúng ta thêm một góc nhìn về cơ hội, tiềm năng của 2 vùng vịnh này trong tương lai.
- Chúng tôi được biết là nhiều năm trước đây, Bhaya nằm trong số những doanh nghiệp từng đưa khách du lịch từ Vịnh Hạ Long sang vùng vịnh Bái Tử Long. Vậy theo đánh giá của ông thì vịnh Bái Tử Long có điểm gì khác biệt?
+ Tôi nghĩ, để phát triển du lịch vùng vịnh Bái Tử Long tốt hơn, hấp dẫn hơn đối với du khách, chúng ta có thể tập trung vào 2 điểm đặc biệt ở đây. Một là Vườn quốc gia Bái Tử Long với các hệ sinh thái phong phú, đa dạng mà du khách có thể tham quan, chiêm ngưỡng, tìm hiểu thêm. Tôi cho rằng, Vườn quốc gia Bái Tử Long có rất nhiều cơ hội để phát triển, bởi chúng ta có sự định hướng, quy hoạch ngay từ đầu. Thêm nữa, để mà nói thì khách du lịch nước ngoài họ rất thích tìm hiểu một là vấn đề văn hóa, hai là tự nhiên mà thiên nhiên tại Vườn quốc gia Bái Tử Long đáp ứng rất tốt điều này.

Hai là về các giá trị lịch sử văn hóa, đơn cử như là Thương cảng cổ Vân Đồn… Chúng ta có thể tạo ra một số sản phẩm về lịch sử văn hóa, như là những tour tìm hiểu lặn biển, tham quan các di tích bị chìm đắm lâu đời chẳng hạn, chắc chắn là du khách sẽ rất thích.
Thực tế mà nói thì 2 vùng vịnh này có rất nhiều điểm giống nhau. Du lịch tại Bái Tử Long đi sau Vịnh Hạ Long, tôi nghĩ cần tạo sự khác biệt để có thể thu hút du khách hơn. Ví dụ như khách bay đến Hà Nội, Việt Nam rồi thì quãng đường di chuyển từ Hà Nội đến Vân Đồn sẽ xa thêm khoảng đâu đó một tiếng nữa so với Hạ Long. Như vậy, khách sẽ đắn đo lựa chọn, nếu mà Bái Tử Long không có điểm gì đấy khác biệt thì khách có thể sẽ chọn Vịnh Hạ Long. Vậy nên trong giai đoạn đầu có thể chúng ta chọn lọc, xây dựng ít điểm nhưng mà đặc sắc, sau này khi đã có một số lượng tàu nhất định, để giảm tải cho các tuyến đã mở thì chúng ta có thể mở rộng thêm.

- Thời điểm này, du lịch Bái Tử Long dường như vẫn còn những khó khăn, theo ông thì các cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để thu hút doanh nghiệp cũng như du khách, tạo sức bứt phá mạnh mẽ hơn?
+ Chắc chắn là những bước đi đầu tiên thì sẽ khó khăn. Và vì khó khăn thì cần các cơ quan quản lý nhà nước tháo gỡ, ví dụ như là các phao luồng biển báo tại khu vực này để thuận lợi hơn cho các tàu du lịch đảm bảo an toàn nhất cho khách khi tham quan vịnh Bái Tử Long. Thứ hai là tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp về thủ tục giấy tờ được dễ dàng hơn, mà hiện tại vẫn đang được xây dựng, chưa có.
Thực ra thì các doanh nghiệp rất quan tâm, chính quyền cũng có những định hướng nhất định, tuy nhiên về tổng hòa lại toàn bộ những chính sách chúng ta cần thực hiện đồng bộ hơn, đấy là điều mà doanh nghiệp mong muốn. Đồng bộ ở đây là gì, là khi chúng tôi có du thuyền di chuyển sang khu vực này để khai thác khách du lịch thì toàn bộ giấy tờ, thủ tục liên quan được các cơ quan làm đồng bộ và chúng ta có thể đăng ký khai thác, tiến hành ngay.
Vừa rồi thì Quảng Ninh đã công bố, khai trương các hành trình tham quan trên vịnh Bái Tử Long. Đây là bước đi đúng đắn và kịp thời. Điều này có ý nghĩa rất lớn khi mà cùng với Vịnh Hạ Long thì chúng ta có thêm những điểm lân cận có thể khai thác.

- Thị trường mà du thuyền Bhaya khai thác chắc hẳn là dòng khách nước ngoài nhiều hơn. Vậy ông đánh giá tiềm năng của vịnh Bái Tử Long trong thu hút dòng khách nước ngoài ra sao?
+ Chúng tôi đón những dòng khách cao cấp thường là khách Âu - Mỹ. Khách đi dài ngày thường đi theo nhóm, tuỳ theo nhóm nhỏ hay lớn nhưng mục tiêu là thuê riêng một tàu để có thể đi chương trình mà khách mong muốn, lựa chọn. Như khách đã đặt tàu riêng thì họ thích những địa điểm riêng tư, không có quá đông khách du lịch hoặc thậm chí là không có ai cả. Và tôi cho rằng, vịnh Bái Tử Long đáp ứng được rất tốt điều đó.
Vịnh Hạ Long cũng có rất nhiều điểm như vậy, tuy nhiên về cơ sở pháp lý hiện nay thì khi mà Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đưa ra các hành trình tham quan, có quy định các điểm đến thì các tàu đều phải theo đó. Mà với những luồng tuyến đã được xây dựng, hiện vẫn theo xu hướng của du lịch đại trà, bao giờ trong một tuyến cũng sẽ có một vài điểm nhấn hấp dẫn khách, ví dụ như là bãi tắm, hang động hay là làng chài nào đó... Vô hình chung điều đó sẽ khó có thể đáp ứng được yêu cầu về sự riêng tư, thật sự vắng vẻ như tôi vừa nói ở trên.

- Vịnh Hạ Long hiện đang dự kiến xây dựng phương án khai thác những bãi biển hoang sơ hay là những khu vực vắng người để phục vụ cho các dòng khách cao cấp. Điều này liệu có đáp ứng được nhu cầu mà các doanh nghiệp như Bhaya mong muốn không?
+ Vịnh Hạ Long rất đẹp, lúc nào cũng rất hấp dẫn và thu hút khách du lịch đến ngày càng đông hơn. Ngược lại, với dòng khách siêu giàu thì họ lại có xu hướng tránh những nơi đông đúc. Khách hàng bây giờ tiêu dùng thông minh, khi có nhu cầu họ sẽ tìm hiểu rất nhiều thông tin liên quan đến địa điểm đó. Vịnh Hạ Long là điểm đến rất hấp dẫn với du khách trong nước và nước ngoài nhưng chưa thật sự hấp dẫn đối với những dòng khách đòi hỏi cao về sự riêng tư.

Khách cao cấp thì cũng chia thành nhiều nhóm khác nhau. Như dòng khách siêu giàu thường chỉ thích những điểm đến thực sự vắng vẻ, chỉ có riêng khách và điểm đến thôi. Bởi vì với đối tượng tỷ phú, triệu phú chẳng hạn thì danh tiếng của họ đã rất cao rồi, kiểu không muốn mình bị làm phiền bởi những người khác, không muốn bị nhận diện nên là những tuyến điểm thực sự vắng vẻ sẽ phù hợp với dòng khách này nhiều hơn. Vịnh Hạ Long vẫn có cơ sở để phát triển theo hướng đó nếu thực sự quan tâm tới nhu cầu của dòng khách này.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Ý kiến ()