20
240
/
1101148
Du lịch hứa hẹn bứt phá
longform
Du lịch hứa hẹn bứt phá

Cover

Quảng Ninh có cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, cùng những nét văn hóa đa dạng trong thống nhất. Khai thác các lợi thế này, song hành với phát triển du lịch biển, du lịch hiện đại, tỉnh đang chú trọng phát triển du lịch cộng đồng đậm dấu ấn bản địa, tạo nên nét hấp dẫn riêng, góp phần thu hút du khách đến trải nghiệm, hình thành điểm đến 4 mùa.

Ảnh trong văn bản

Ảnh với chú thích

Cảnh sắc huyện Bình Liêu hùng vĩ là điểm hấp dẫn du khách.

Là huyện miền núi, biên giới, huyện Bình Liêu được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu đặc trưng ôn hòa, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Nơi đây còn sở hữu những rừng hồi, quế, sở, những thửa ruộng bậc thang trải dài tầm mắt và nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử như: Thác Khe Vằn, bãi đá thần - núi Cao Ba Lanh, núi Cao Xiêm, thác Khe Tiền, Sông Moóc...

Với nhiều đồng bào dân tộc cùng sinh sống, huyện có văn hoá truyền thống đa dạng, giàu bản sắc, với các phong tục, tập quán, lễ hội, trang phục, nhạc cụ, vũ điệu dân gian đa sắc màu. Cùng với đầu tư hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú…, huyện đẩy mạnh quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và văn hóa địa phương. Đến Bình Liêu hôm nay, không chỉ được ngắm cảnh sắc thiên nhiên giản dị, hoang sơ, hùng vĩ, du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Ngày hội Kiêng gió, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện; Hội Mùa vàng; Hội Hoa sở… Riêng quý I/2024 huyện thu hút 21.480 lượt du khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch đạt 19,3 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ. Mỗi người dân nơi đây đã thực sự chủ động tham gia phát triển du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa, đa dạng hóa các dịch vụ.

Ảnh với chú thích

Anh Hoàng Văn Sằn (xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) giới thiệu Homestay Hoàng Sằn trên mạng xã hội.

Anh Hoàng Văn Sằn (dân tộc Tày, thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu) cho biết: 5 năm trước, gia đình tôi mạnh dạn cải tạo khu nhà ở của gia đình thành homestay với 4 phòng nghỉ. Đồng thời cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách với thực đơn là những sản vật; tổ chức trò chơi dân gian như nhảy sạp, đốt lửa trại, cầu lửa… Từ khi đi vào hoạt động, hầu như vào dịp cuối tuần, homestay của gia đình đều kín khách. Thời gian tới tôi tiếp tục cải tạo lại vườn, trồng thêm một số loại cây, thả cá…, vừa tạo cảnh quan, vừa tạo thêm sản phẩm trải nghiệm cho du khách.

Ảnh với chú thích

Mô hình homestay tại thôn Khe Lục (xã Đại Dực, huyện Tiên Yên). Ảnh: Trần Hoàn (CTV)

Nếu muốn tạm lánh những ồn ào, khói bụi thành phố, gác lại chút bộn bề, lo âu của cuộc sống thường nhật để hòa mình với thiên nhiên trong lành, hoang sơ, dung dị của núi rừng thì xã vùng cao Đại Dực (huyện Tiên Yên) là một địa điểm lý tưởng để du khách lựa chọn. Nơi đây cảnh quan thiên nhiên vô cùng tươi đẹp với hệ thống ruộng bậc thang, thác nước quyến rũ, cùng những nét đặc sắc về văn hóa của đồng bào dân tộc. Thời gian qua, xã đã chú trọng xây dựng đa dạng sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác lợi thế địa phương, tận dụng lợi thế cộng đồng, phát huy tối đa bản sắc văn hóa.

Ông Hoàng Việt Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Dực, cho biết: Cùng với duy trì các lễ hội như Ngày hội văn hóa của người Sán Chỉ, Lễ hội Mùa vàng miền soóng cọ…, đầu năm 2024 xã xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại thôn Khe Lục. Xã vận động từ 3-5 hộ dân sinh sống tập trung, cải tạo nhà chính, sân, vườn, chuồng trại chăn nuôi, bổ sung cây xanh, cây hoa tạo cảnh quan, không gian; xây mới nhà vệ sinh, nhà tắm hiện đại, vừa thành điểm check-in, vừa phục vụ nghỉ dưỡng. Dự kiến các khu vực này đón khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2024. Xã tiếp tục mở các lớp học hát soóng cọ, múa tắc xềnh, các điệu múa của người Sán Chỉ…; xây dựng lại các nhạc cụ truyền thống; khôi phục nghề đan lát các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày; sưu tầm các đồ dùng sinh hoạt hằng ngày; tham quan, học tập các mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh đã phê duyệt nhiều đề án làm nền tảng, căn cứ và cơ sở triển khai với mục tiêu, giải pháp cụ thể, như: Đề án bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các DTTS gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030; Đề án bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030…

Ảnh với chú thích

Du khách trải nghiệm nghề thêu truyền thống tại khu du lịch cộng đồng Kỳ Thượng Am Váp. Ảnh: Fanpage Kỳ Thượng Am Váp

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 161/KH-UBND (ngày 21/6/2023) "Về thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng khu vực miền núi tỉnh, giai đoạn 2023-2025" gồm: Làng người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); làng người Sán Chỉ tại thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu); làng người Dao Thanh Y thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); làng người Sán Dìu xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững.

Quảng Ninh đang khẳng định vị thế trong bản đồ du lịch Việt Nam bởi đa dạng các sản phẩm du lịch ở tất cả các mùa trong năm. Qua đó không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, mà còn góp phần tạo dựng hệ giá trị đặc trưng của địa phương theo định hướng: “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc".

Ảnh trong văn bản

Với tiềm năng, thế mạnh, hạ tầng được đầu tư bài bản, chất lượng cao là động lực để Quảng Ninh phát triển các loại hình du lịch, hướng đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa - giải trí, trở thành trung tâm du lịch quốc tế và trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia.

Ảnh với chú thích

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long được đầu tư hiện đại, liên tục đón các siêu du thuyền chở hàng nghìn du khách đến Quảng Ninh.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 24/5/2013) của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị quyết 02-NQ/TU (ngày 5/2/2016) của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, thời gian qua tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phát triển du lịch.

Tháng 8/2023, UBND tỉnh phê duyệt Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành Du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây cũng là cụ thể hóa Nghị quyết số 82/NQ-CP (ngày 18/5/2023) của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững và Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Cùng với đó, tỉnh đang hoàn thiện Đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sở Du lịch đã chủ trì, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) xây dựng Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Mục tiêu của Đề án là xác định được định hướng quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, nhằm xây dựng Quảng Ninh trở thành điểm đến du lịch hàng đầu cả nước, là trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế có thương hiệu mạnh trên toàn cầu.

Ảnh với chú thích

Du khách trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp tại Yoko Onsen Quang Hanh (TP Cẩm Phả).

Các đề án này đều đặt ra mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quốc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng giải trí cao cấp. Đến năm 2025 du lịch Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đón khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2030 du lịch phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững. Khi đó Quảng Ninh khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón ít nhất 25,5-26 triệu lượt du khách, trong đó có ít nhất 8,6-9 triệu lượt khách quốc tế. Dự kiến ngành Du lịch nâng dần tỷ trọng đóng góp vào GRDP của tỉnh qua từng năm, cụ thể đến năm 2024 đóng góp trực tiếp 10-11%, năm 2025 đóng góp 11-12%, năm 2030 đóng góp 15%.

Trước mắt, năm 2024 Quảng Ninh thu hút ít nhất 17 triệu lượt du khách, trong đó có 3 triệu lượt khách quốc tế. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 176/NQ-HĐND (ngày 8/12/2023) về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, xác định “Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển bền vững”.

Để thực hiện mục tiêu này, Quảng Ninh dự kiến tổ chức gần 200 chương trình, sự kiện, hoạt động kích cầu du lịch trên địa bàn. Trong đó tâm điểm là Tuần du lịch hè Hạ Long với chương trình Carnaval Hạ Long đã trở thành "thương hiệu" của du lịch Quảng Ninh, được tổ chức vào dịp 30/4-1/5. Bên cạnh đó là các hoạt động văn hóa, thể thao có sức lan tỏa và sức hút du lịch lớn: Liên hoan các ban nhạc trẻ toàn quốc năm 2024; Giải Golf Quảng Ninh mở rộng, Giải chạy Marathon Hạ Long Heritage… Đồng thời tham gia hội chợ, ngày hội du lịch tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế; tổ chức liên hoan ẩm thực; các đoàn famtrip khảo sát du lịch Quảng Ninh.

Ảnh với chú thích

Các thành viên thuộc đoàn đua thuyền Clipper Race tìm hiểu về phong tục tập quán và văn hóa đặc sắc tại Kỳ Thượng (TP Hạ Long). Ảnh: Đào Linh

Theo Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch Quảng Ninh năm 2024, tỉnh dự kiến có tổng số 62 sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác. Trong đó các sản phẩm du lịch biển tiếp tục chiếm ưu thế với 11 sản phẩm tại khu vực Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long. Các địa phương cũng tích cực đưa ra các sản phẩm du lịch mới. TP Hạ Long đưa ra 9 sản phẩm: Phố đi bộ phong cách Hàn Quốc; tổ hợp vui chơi, giải trí ngọn Hải Đăng; phà du lịch Bãi Cháy; phiên chợ “Ký ức xưa”; du lịch cộng đồng tại các xã vùng cao…

Các địa phương khác dự kiến phát triển những sản phẩm có tính khả thi cao, như: Sân golf, không gian bảo tồn và phát huy văn hoá truyền thống dân tộc Tày tại Quảng Ninh Gate, điểm vui chơi giải trí dịch vụ du lịch Tân Việt Bắc (TX Đông Triều); huyện Tiên Yên, Ba Chẽ có 3 sản phẩm chợ phiên văn hoá vùng cao tại xã Hà Lâu, Lương Mông, Đạp Thanh; huyện Bình Liêu có sản phẩm du lịch đi bộ xuyên rừng, thể thao bóng đá nữ; TP Móng Cái có 4 sản phẩm: Đạp xe xuyên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, vui chơi giải trí tại bãi biển Trà Cổ, du lịch cộng đồng tại xã Bắc Sơn và tuyến phố đi bộ mới tại phường Trần Phú, phường Hải Hoà...

Ảnh với chú thích

Du khách tham quan Vịnh Hạ Long từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Đối với thị trường khách du lịch quốc tế, tỉnh đẩy mạnh các chương trình quảng bá xúc tiến tại nước ngoài; làm việc, ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành uy tín trong và ngoài nước; tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế đến khảo sát, tuyên truyền về du lịch Quảng Ninh; xây dựng các chương trình du lịch, gói sản phẩm phục vụ khách…

Theo bà Nguyễn Huyền Anh, Giám đốc Sở Du lịch, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh, đi lại, lưu trú cho khách du lịch quốc tế; khuyến khích các hãng hàng không trong nước và quốc tế mở các đường bay mới tới Cảng hàng không Vân Đồn, các hãng tàu biển đến Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Đồng thời phát huy lợi thế các tuyến giao thông khác trực tiếp kết nối Quảng Ninh với các thị trường du lịch trọng điểm và tiềm năng trong nước và quốc tế. Riêng hãng tàu Royal Caribbean - tập đoàn tàu biển lớn nhất thế giới, đã có kế hoạch thực hiện 60 chuyến tàu, đưa khoảng 200.000 du khách đến Quảng Ninh.

Ảnh với chú thích

Du khách trải nghiệm chèo thuyền kayak tại Cô Tô.

Quý I/2024 Quảng Ninh đón trên 5,3 triệu lượt du khách, tăng 11% so cùng kỳ, đạt 105% kịch bản tăng trưởng; trong đó khách quốc tế khoảng 616.000 lượt, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đây là động lực mạnh mẽ để ngành Du lịch tiếp tục bứt phá trong năm 2024, từng bước hiện thực hóa các mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế.

Thực hiện: Cao Quỳnh - Minh Đức

Trình bày: Hùng Sơn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu